Monday, June 28, 2010

Chọn Người Lãnh Đạo Thuộc Linh

Tít (Titus) 1:5-9
"Ta đã để con ở lại Cơ-rết, đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp, và theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành. Mỗi người trong vòng trưởng lão đó phải cho không chỗ trách được, chỉ chồng của một vợ; con cái phải tin Chúa, không được bị cáo là buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì người giám mục làm kẻ quản lý nhà Ðức Chúa Trời thì phải cho không chỗ trách được. Chẳng nên kiêu ngạo, giận dữ, ghiền rượu, hung tàn, tham lợi; nhưng phải hay tiếp đãi khách, bạn với người hiền, khôn ngoan, công bình, thánh sạch, tiết độ, hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả"

Suy gẫm:
Sứ đồ Phao-lô để Tít tại đảo Cơ-rết (Crete) trong một bối cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp. Sự phức tạp và khó khăn mà Tít đối diện không phải do sự suy thoái của nền kinh tế gây nên nhưng là sự suy đồi và băng hoại về đạo đức của xã hội bên ngoài đang bò dần vào trong Hội Thánh của Chúa. Để có thể giữ vững được con thuyền thuộc linh mà không bị nhận chìm bởi dòng nước thế tục dơ nhớp, sứ đồ Phao-lô cho biết Hội Thánh cần phải có những nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính. Đây là phương cách duy nhất để cho Hội Thánh đối phó, chống chọi, bảo tồn, và phát triển giữa một xã hội đen nghịt. Tít được Phao-lô ủy thác một công tác vô cùng quan trọng là lựa chọn người lãnh đạo cho Hội Thánh. Sứ đồ Phao-lô đưa ra tiêu chuẩn để Tít dựa vào đó chọn người lãnh đạo thuộc linh cho Hội Thánh Đức Chúa Trời hoàn toàn thuộc trong phạm trù nhân cách (chính con người) hơn là tài năng của người lãnh đạo.Tiêu chuẩn này được tóm lại trong cụm từ “không chỗ trách được” (beyond or above reproach hay without fault). Phẩm chất thuộc linh này rất quan trọng nên ông nhắc đến hai lần (c. 6, 7). “Không chỗ trách được” có thể được hiểu là “điều kiện ắt có và đủ” của người lãnh đạo thuộc linh. Một người “không chỗ trách được” có nghĩa là người không ai có thể kiện cáo hay buộc tội vì hành động và đời sống của người đó. Người ta có thể “vu cáo” nhưng không thể “kiện cáo” người đó. Người đó cũng chẳng đi kiện cáo ai vì đó là việc làm của ma quỷ (Gióp 1:6-10; Khải 12:10).
Sứ đồ Phao-lô giải thích tình trạng “không chỗ trách được” trước hết là người có một gia đình gương mẫu: chồng một vợ, con cái phải tin Chúa và không sống buông tuồng phóng đãng theo tình dục và không biết vâng lời như người chưa tin Chúa. Cụm từ “con cái phải tin Chúa” đồng nghĩa với việc “giữ con cái mình cho vâng phục” (1 Ti-mô-thê 3:4). Ở đây sứ đồ Phao-lô không phân biệt con cái đã trưởng thành lập gia đình riêng hay chưa, vì dẫu cho lập gia đình rồi thì cũng vẫn là con của mình. Con cái là sản phẩm của sự giáo dục và bản tính di truyền của cha mẹ. Sứ đồ Phao-lô nói làm thế nào chúng ta biết một người có thể lãnh đạo Hội Thánh của Đức Chúa Trời hay không? Hãy nhìn vào gia đình của người đó, cách người đó nuôi dạy con cái. Con cái chính là sản phẩm của đời sống thuộc linh và đạo đức của họ. Theo Phao-lô, người lãnh đạo thuộc linh là người quản lý nhà của Đức Chúa Trời mà không biết dạy dỗ con cái thì làm sao cai trị được nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh? Nếu họ đã không đủ tiêu chuẩn cai trị nhà riêng mình thì làm sao đủ tiêu chuẩn cai trị cả nhà của Đức Chúa Trời? Người đó chưa thấu triệt được nguyên tắc này: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”
Sự “không chỗ trách được” của người lãnh đạo có nghĩa là “không kiêu ngạo, giận dữ, ghiền rượu, hung tàn và tham lợi.” Từ “kiêu ngạo” ở đây nói đến bản chất kiêu căng thừa hưởng nơi ma quỷ (2 Phi 2:10). Người kiêu căng hay kiện cáo người khác vì cho rằng mình đúng và người khác sai. Đây là sự mù lòa tâm linh xuất phát từ bản chất chưa được Chúa Thánh Linh tái tạo và biến đổi. Còn tính “giận dữ” được hiểu là tính mau giận hay mau phản ứng khi bị người khác đụng chạm đến danh dự hay chỉ ra những khuyết điểm của mình. Người đó sẽ mau nói, mau hành động để lộ cho người khác thấy con người thật của mình. Người lãnh đạo như thế sẽ gây nên sự tàn diệt hơn là gây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Đặc điểm “ghiền rượu” và “hung tàn” đi chung với nhau trong các Thư tín Giám mục của Phao-lô (1 Ti-mô-thê 3:3 và Tít 1:7). Vì để cho rượu điều khiển nên sanh ra hung tàn. Ngày nay có khi người lãnh đạo không bị say bởi “men” nhưng bị say bởi “cái tôi” tức là bị lòng tự ái, ganh tị, và tánh kiêu căng xui khiến để hung tàn và hành quyền (power abuse) cách không phù hợp với Lời Chúa, gây bao điều khổ não cho con dân Chúa và ô nhục cho danh vinh hiển của Ngài. “Tham lợi phi nghĩa” là điều không thể chấp nhận cho người lãnh đạo thuộc linh. Người lãnh đạo thuộc linh mà hay nói đến vấn đề tiền bạc là người có vấn đề về tiền bạc. Chức vụ người đó bị điều khiển bởi tiền bạc, nhìn mọi sự qua lăng kính tiền bạc, dùng tiền bạc để mua chuộc người khác nhằm tạo uy thế trong chức vụ. Họ tham tiền cho nên nghĩ ai cũng tham tiền như mình.
Thay vì những điều tiêu cực nêu trên, sứ đồ Phao-lô nói biểu hiện sự “không chỗ trách được” là “hay tiếp đãi khách, bạn với người hiền, khôn ngoan, công bình, thánh sạch, tiết độ, hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy.” Thay vì quan tâm đến phúc lợi và củng cố địa vị của mình, người lãnh đạo thuộc linh chân chính nghĩ đến người khác và sống bày tỏ vẻ đẹp của Chúa Jesus. “Bạn với người hiền” còn có nghĩa là người yêu mến những điều tốt lành. Người lãnh đạo tốt yêu mến những con người thuộc linh, không đứng và làm bạn với những con người xác thịt để làm những điều đem lại sự thỏa mãn cho bản tánh xác thịt. “Khôn ngoan” hay đúng hơn là có tâm trí tỉnh táo và sáng suốt để nhận định vấn đề. “Công bình” và “thánh sạch thường hay đi chung với nhau. “Công bình” nói đến việc tuân giữ luật pháp của Chúa và bày tỏ ra trong mối quan hệ với con người. Còn “thánh sạch” bàn đến khía cạnh tương quan với Chúa trong việc tuân giữ những đòi hỏi về đạo đức. Hai điều này rất cần cho người lãnh đạo thuộc linh giống như hai cây trụ chống đỡ đời sống thuộc linh của họ. “Tiết độ” liên quan đến tinh thần tự kỷ luật, không làm điều gì quá mấu hay quá khích, biết kiềm chế chính mình khi đối diện với sự bị tổn thương. Các đức tính “khôn ngoan, công bình, thánh sạch, tiết độ” là biểu hiện sự hiện diện đầy dẫy của Chúa Thánh Linh trong đời sống. “Hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy” liên quan đến khả năng hấp thụ những lời dạy của các sứ đồ và chuyển tải thành hành động bởi kinh nghiệm sống. Chính vì thế, người đó có khả năng khích lệ người khác theo đạo lành và bác lại những kẻ chống trả.
Có hai yếu tính trong phẩm chất “không chỗ trách được” mà Kinh Thánh Tân Ước đề cập đến: (a) đó là kết quả việc làm của Chúa trong đời sống của người tin Chúa thật (1 Cô-rinh-tô 1:8 và Cô-lô-se 1:22). Sứ đồ Phao-lô nói đây chính là dấu hiệu của một người được Chúa biến đổi và cũng là điểm đến cuối cùng trong hành trình thuộc linh của đời sống Cơ đốc; và (b) đó là kết quả của một tiến trình thử thách và dấu hiệu không thể thiếu được của người lãnh đạo thuộc linh (1 Ti-mô-thê 3:10; Tít 1:6, 7). Như vậy, phẩm chất “không chỗ trách được” là việc của Đức Chúa Trời làm ra trong đời sống của một con người thật lòng tin Chúa và là dấu hiệu để cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời nhận ra rằng người đó là một nhà lãnh đạo thuộc linh. Nếu một người kinh qua những thử thách của chức vụ mà thất bại thì người đó không còn xứng đáng ở trong vị trí lãnh đạo dân sự Đức Chúa Trời vì ân sủng của Chúa đã rút khỏi người đó như trường hợp của vua Sau-lơ ngày xưa. Qua thử thách, Sau-lơ chứng minh rằng mình không còn đủ tiêu chuẩn làm người lãnh đạo thuộc linh vì phẩm chất “không chỗ trách được” không còn chỗ trong đời sống của ông.
Hội Thánh của Đức Chúa Trời trải qua các thời đại có những lúc phải đi qua những ngày đen tối do ảnh hưởng của tinh thần thế tục. Làm thế nào Hội Thánh của Chúa có thể đứng vững và vượt qua được những khó khăn và đứng thẳng để đối đầu với sự thế tục hóa và “giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian”? Đó là trách nhiệm của Hội Thánh phải chọn cho mình những nhà lãnh đạo “không chỗ trách được.” Hội Thánh luôn luôn cần có người tài để làm công việc Chúa. Nhưng chữ tài ở đây có nghĩa là tài đức chứ không phải là tài tình về chánh trị, thủ đoạn, mưu mẹo, mánh khóe, và gian dối. Có tài mà không có đức thì đó là một tai họa và không sớm thì muộn sẽ bị lộ ra và gây cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời điên đảo, khốn khổ. Có thể trong thời gian người tài mà vô đạo đức có vẻ thành công. Nhưng về lâu về dài thì sẽ giống như vua Sau-lơ, A-háp, và Hê-rốt. Hội Thánh của Đức Chúa Trời cần những người có đức độ thuộc linh, có lòng kính sợ Chúa, và có tấm lòng chánh trực, liêm khiết, can đảm đối diện sự thật và sống chết cho lẽ thật.
Nhìn lại 100 năm của lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Đức Chúa Trời đã từng ban cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chúng ta những nhà lãnh đạo tin kính Chúa như: Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Mục sư Lê Văn Thái, Mục sư Ông Văn Huyên, Mục sư Đoàn Văn Miêng, Mục sư Phạm Xuân Tín, Mục sư Phạm Xuân Thiều. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục đoái thương ban cho Hội thánh Việt Nam chúng ta những nhà lãnh đạo thuộc linh xứng đáng để dẫn đưa dân sự của Ngài đến “đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh” (Thi-thiên 23). Nhưng sự ban cho này của Đức Chúa Trời được ủy thác cho dân sự Đức Chúa Trời trong việc họ chọn người lãnh đạo cho mình. Chọn người lãnh đạo là trách nhiệm của Hội Thánh Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh của Ngài quyền tự do để lựa chọn cho mình những nhà lãnh đạo xứng đáng hầu mang lại sự gây dựng cho đời sống thuộc linh của con dân Chúa, danh Chúa không bị bêu xấu giữa vòng người ngoại. Chúng ta không thể quy hết trách nhiệm cho Đức Chúa Trời vì Ngài ban cho chúng ta quyền tự do để chọn người lãnh đạo của mình. Việc chọn người lãnh đạo sẽ quyết định cho cả số phận của một cộng đồng đức tin và dân tộc.