Wednesday, November 3, 2010

Chức việc của Nhà Lãnh đạo Thuộc linh

"Ta ở trước mặt Ðức Chúa Trời và trước mặt Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; những vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ" (II Ti-mô-thê 4:1-4)

Suy gẫm:
Đây là những lời tâm huyết cuối cùng của sứ đồ Phao-lô để lại cho Ti-mô-thê, nhà lãnh đạo thuộc linh của Hội Thánh Đức Chúa Trời tại thành phố Ê-phê-sô. Trước hết, sứ đồ Phao-lô nói: "Ta ở trước mặt Ðức Chúa Trời và trước mặt Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con." Việc khuyên bảo Ti-mô-thê mang tính chất long trọng (solemn) và vô cùng quan trọng vì được thực hiện trước mặt (sự hiện diện) Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi nói điều này, sứ đồ Phao-lô cho Ti-mô-thê biết rằng mọi sinh hoạt trong đời sống cá nhân và chức vụ công khai của ông đều ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Hơn nữa, chỉ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ là Đấng mà ông phải khai trình lại về đời sống và chức vụ của mình, và Ngài là thẩm quyền tối hậu thẩm định đời sống và chức vụ của ông. Lắm khi người hầu việc Chúa quá quen thuộc với chức vụ và con người lại quên hẳn điều này. Chính vì thế, chúng ta đánh mất đi tính chất thiêng liêng và cao trọng của chức vụ mình. Khi một người hầu việc Chúa hay nhà lãnh đạo thuộc linh đánh mất đi sự cẩn trọng này trong chức vụ, người đó sẽ xem chức vụ như một nghề nghiệp và hội thánh như một tổ chức của đời, và không từ chối làm bất cứ điều tồi lệ nào mình có thể làm. Khi ấy, người đó sẽ phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác vì xem mình là chúa của mình, không có ai để mình phải khai trình lại. Họ khác với vua Đa-vít ngày xưa đã nói: Tôi hằng để Đức Giê-hô-va trước mặt tôi (Thi thiên 16:8a) khi ông thi hành chức vụ của mình. Thêm vào đó, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đến tính chất cấp bách và cận kề (imminent) của sự tái lâm của Chúa Jesus qua việc ông sử dụng thì tương lai gần. Như thế, vị sứ đồ tin rằng Chúa càng gần trở lại chừng nào, ông càng phải thi hành chức vụ mình cách cẩn trọng và rao giảng Tin Lành của Ngài cho mọi người chừng nấy.
Sự tái lâm của Chúa Jesus Christ thôi thúc người lãnh đạo thuộc linh buộc mình vào trong chức vụ rao giảng Tin Lành mà không tùy thuộc vào hoàn cảnh: "Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi." Hoàn cảnh chung quanh và hiện tại không thể là lý cớ làm cho người lãnh đạo thuộc linh trì hoãn hay chán nãn trong việc rao giảng Tin Lành. Người đó cần có một cái nhìn xuyên suốt vào cõi đời đời và thấy Đấng đang đứng cuối đường để đón tiếp những đầy tớ “ngay lành và trung tín” của Ngài. Thay vì ngồi bó gối và bi quan về hoàn cảnh hay tình trạng của những ngày cuối cùng, người lãnh đạo thuộc linh cần phải chống chọi lại những lượn sóng thế tục đang lan tràn bằng tinh thần tích cực như: cố khuyên, lấy lòng nhịn nhục, và cứ dạy dỗ chẳng thôi. Đứng trước tình trạng thuộc linh đổ nát của hội thánh, trách nhiệm của nhà lãnh đạo thuộc linh là: bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, dạy dỗ. Muốn làm được những việc như thế, đời sống và chức vụ của người lãnh đạo thuộc linh phải thánh khiết, ngay thẳng, chân thật. Bằng không những điều họ nói sẽ trở thành bản án cho chính mình.
Sứ đồ Phao-lô giải thích lý do của việc phải hết lòng thi hành chức vụ của mình: "Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn." Đây là dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng. Người ta không muốn nghe “đạo lành” (sound teaching) nhưng thích nghe những lời êm tai (itching ears) là những điều đem lại thích thú cho tâm trí và bản tánh xác thịt, thay vì mang lại sự gây dựng đời sống thuộc linh. Những giáo sư giả quy tụ chung quanh mình những thành phần không vững vàng về đạo lành và chân chính, tiêm nhiễm dân sự Chúa bằng những lý lẽ huyền hoặc nghe tưởng chừng như là đạo thật mà là đạo giả. “Chuyện huyễn” là những câu chuyện mang tính hoang đường, xây dựng trên sự dối trá của các giáo sư giả tại Ê-phê-sô và Cơ-rết (1 Ti 1:4; 4:7; và Tít 1:14). Khi con người đã mở tai cho những chuyện huyễn thì họ sẽ “bịt tai không nghe lẽ thật.”
Ngược lại với các giáo sư giả chuyên nói chuyện huyễn, sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê như sau: "Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ." “Nhưng con” đồng nghĩa với “còn về phần con.” Đây là một sự phân biệt rõ ràng giữa giáo sư giả và giáo sư thật chuyên giảng dạy Lời Chúa. Đặc điểm của người rao giảng Lời Chúa và nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính là: tiết độ (self-controlled) hay có một tâm trí tỉnh táo (clear-mindedness). Người tiết độ là người vừa phải, không thái quá cũng không buông thả, biết kiểm soát chính mình. Đức tính này thông thường gắn liền với sự tái lâm của Chúa Jesus Christ. Người thế gian hay giáo sư giả không quan tâm đến sự tái lâm của Chúa Jesus, nhưng nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính sẽ luôn quan tâm đến sự kiện quan trọng này vì đó chính là động cơ thúc đẩy họ rao giảng lẽ thật. Chẳng những phải tiết độ nhưng còn phải chịu khổ (enduring suffering or hardship) vì Tin Lành mình rao giảng. Không ai muốn rao giảng Tin Lành chân thật mà lại không phải chịu khổ vì đó là cách chia sẻ sự thương khó với Chúa Jesus. Khi một nhà lãnh đạo thuộc linh làm việc của người giảng Tin Lành thì chắc chắn phải chịu khổ vì Tin Lành, không phải do lối sống không tin kính của mình gây ra. Nhưng không vì khổ mà không làm việc của người giảng Tin Lành và không làm trọn chức vụ của mình. Vì thế, khi làm nhà lãnh đạo thuộc linh mà không làm công việc “thuộc linh” thì tự mình chứng tỏ rằng không còn là một người được Chúa chọn để làm công việc của Ngài. Trách nhiệm và công việc của người hầu việc Chúa là giảng Tin Lành chứ không phải "tin dữ," cứu người chứ không phải giết người, yên ủi và khích lệ người khác đến gần Chúa chứ không phải dựng chuyện dối trá và học thói điêu ngoa của đời để tố cáo người khác hay anh em đồng lao (2 Cô-rinh-tô 10:8). Khi làm công việc của người giảng "tin dữ" hay dối trá tức là chúng ta đang làm công việc của ma quỷ, không phải công việc của Đức Chúa Trời, đánh mất uy quyền trong sự giảng dạy và khiến cho con dân Chúa ngán ngẫm sự giảng dạy của mình. Khi một nhà lãnh đạo thuộc linh làm trọn chức vụ mình thì sẽ không còn thì giờ để tố cáo, kiện thưa người khác.
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa trở lại, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo thuộc linh bị băng hoại, biến chất, bỏ chức vụ và hội thánh trốn để chạy cứu lấy mạng sống mình, tìm kiếm cuộc sống an nhàn do vật chất và thế gian ban cho, tố cáo nhau và ghen ghét nhau. Là những nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính chúng ta cần phải quyết tâm nhờ ơn Chúa giữ đời sống sống thánh khiết, sống cách ngay thật để có thể rao giảng lẽ thật của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải là những con người giảng Tin Lành chân thật, sẵn sàng chịu khổ vì Tin Lành mình rao giảng, làm việc của người giảng Tin Lành, và làm trọn chức vụ Chúa và Hội Thánh giao phó. Xin Chúa thương xót mỗi người chúng ta là những nhà lãnh đạo thuộc linh của Hội Thánh Ngài trong khi chờ đợi Chúa Jesus yêu dấu chúng ta trở lại. Amen!