Kinh thánh: Phi-líp (Philippians) 2:5-8
Hãy có đồng một tâm tình như Ðấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.
Tổng thống Bắc Hàn Kim Jong Il đột ngột từ trần vì bị nhồi máu cơ tim (heart attack) đang khi đi công tác bằng tàu lửa trong tuần rồi. Hưởng thọ 69 tuổi. Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Il lên kế vị cha mình là Tổng thống Kim Il Sung vào năm 1994. Suốt 17 năm cầm quyền, Kim Jong Il khét tiếng là cực kỳ độc tài thậm chí còn hơn cả cha mình, cai trị dân chúng bằng bàn tay sắt (with an iron fist), sống xa hoa trong nhung lụa, tham mê sắc dục, ăn uống thỏa thê với bao món ngon vật lạ ít nhất mỗi tuần như: tôm hùm (lobsters), uống rượu Pháp (French wine), súp vây cá mập (shark’s fin soup), cá sống (sushi) v.v… Cuộc sống xa hoa và sa đọa của Kim Jong Il và gia đình hoàn toàn trái ngược hẳn với sự thực trạng của một xã hội Bắc Hàn đa số dân chúng sống cảnh nghèo đói, rách nát và khốn khổ. Mặc dầu có đầy thế lực trong tay, lãnh đạo một quân đội đông đứng hàng thứ 5 trên thế giới, Kim Jong Il rất ít khi nào đi xa, ngại đi máy bay vì sợ chết! Khi cần, Ông đi bằng tàu hỏa (train) sang các nước láng giềng như Nga và Trung Quốc. Trong năm 2008, Kim Jong Il đã bị nhồi máu cơ tim một lần. Kể từ dạo ấy, sức khỏe ông thuyên giảm và kết thúc bằng sự ra đi đột ngột trong thứ Bảy 17/12/2011 vừa qua. Biết trước những ngày của mình không còn bao lâu, Kim Jong Il đã tìm cách tiến vị con trai thứ nhì của mình với người vợ thứ ba Ko Yong-hui, rất trẻ chưa đầy 30 tuổi là Kim Jong-un, người từng lấy tên khác theo học tại Thụy Sĩ (Switzerland), lên làm nhà lãnh đạo đất nước thay thế mình.
Hình ảnh của một vị tổng thống thế tục như Kim Jong Il hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của nhà lãnh đạo thuộc linh mẫu mực là Chúa Jesus. Vấn đề của Hội thánh Phi-líp gặp phải, đặc biệt là sự xung đột giữa những người lãnh đạo trong hội thánh (Phi-líp 2:2; so sánh với 4:2), sứ đồ Phao-lô cho biết xuất phát từ ba đặc điểm của bản tánh con người: (a) lòng tranh cạnh và tìm kiếm hư vinh; (b) tính kiêu căng và coi thường người khác; và (c) tìm kiếm tư lợi và chà đạp lên quyền lợi của người khác (2:3-4). Đó là bản chất tự nhiên của con người sa ngã thừa hưởng từ tổ phụ A-đam và Ê-va. Tất cả mọi người đều bị chi phối bởi những điều tầm thường này. Vì vấn đề thuộc phạm trù của con người và đụng đến bản chất sa ngã của con người, cho nên phương cách giải quyết cũng phải mang tính con người mới hợp lý và hữu hiệu đối với sự hiểu biết của con người. Chính vì thế, sứ đồ Phao-lô dùng giáo lý nhập thể của Chúa Jesus để giải quyết vấn đề này. Chúng ta hãy so sánh giữa bản chất con người và Thần Nhân Jesus:
Con người sa ngã:
= Tranh cạnh/không vâng phục + Tìm kiếm vinh hiển giả tạo
= Kiêu căng và coi thường người khác.
= Tìm kiếm tư lợi (tức chăm về lợi riêng mình)
Thần Nhân Jesus:
= Vâng phục Đức Chúa Trời + Gác bỏ qua sự vinh hiển vốn có (c. 6)
= Nhìn nhận và tôn trọng giá trị con người khi trở thành người (c. 7)
= Chịu chết để mang lại lợi ích cho con ngườivà thỏa mãn sự đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời (c. 8)
Chúa Jesus chính là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa, là Đức Chúa Trời mà Ngài đã từ bỏ vinh hiển vốn có mà không ai trong con người có thể sánh bằng để xuống thế làm người. Chúa Jesus không xuống thế để trở thành một vị vua hay tổng thống đầy quyền lực trong tay hay để thụ hưởng cuộc sống giàu sang phú quý trong trần gian này. Nhưng Ngài đến làm một con người tầm thường, hèn hạ và nghèo khổ nhất, bị con người chà đạp và phỉ nhổ trên mặt, và cuối cùng chọn cái chết sỉ nhục và đau đớn nhất. Chúa Jesus trở thành người không phải để trở thành nhà lãnh đạo trần gian nhưng Ngài đến để cho con người biết những đặc tính của một nhà lãnh đạo thuộc linh. Vấn đề của con người chúng ta là trong sự sa ngã, con người đã tự đánh mất đi sự vinh hiển và uy quyền do Đức Chúa Trời ban cho khi Ngài dựng con người nên trong hình ảnh của Ngài (Sáng thế ký 1:26). Vì thế, con người khao khát tự tạo cho mình sự vinh hiển và mong muốn hành quyền như thể là một con người có quyền thật sự trong tay, gọi là độc tài. Khi một người theo đuổi danh vọng, quyền lực, và sự thỏa mãn xác thịt, chứng tỏ rằng người ấy đang thiếu thốn và thèm muốn những điều mình đã đánh mất trong sự sa ngã. Là người hầu việc Chúa, nhà lãnh đạo thuộc linh phải theo đuổi mẫu mực của Chúa Jesus. Khi một nhà lãnh đạo thuộc linh không có những đức tính tìm thấy trong Chúa Cứu Thế Jesus, nói lên rằng người đó đang sống trong bịnh tật tâm linh và thiếu hụt sự hiện diện của Ngài.
Chúa Jesus luôn luôn là nhà lãnh đạo thuộc linh kiểu mẫu tuyệt vời nhất của nhân loại nói chung và của Hội Thánh Đức Chúa Trời nói riêng. Để có thể chống trả lại sức sống mãnh liệt của tinh thần thế tục và xác thịt vốn sẵn có trong con người chúng ta, không làm gì khác hơn là để cho tâm tình của Chúa Cứu Thế Jesus chiếm hữu và cai trị mình. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có.” Đây là một trong những câu rất khó dịch trong toàn bộ Tân Ước vì nó rất ngắn nhưng cô đọng trong ý tưởng. Nó bắt đầu một trong những bài ca về Đấng Christ Học (Christological hymns) của Hội Thánh đầu tiên, chứa đựng thần học nhập thể của Chúa Jesus. Từ được dịch là “tâm tình” (danh từ) ở đây thực ra là động từ “suy nghĩ” hay “có ý tưởng.” Lời khuyên của sứ đồ có thể giải thích như sau: chúng ta hãy nghĩ đến tâm tình hay những đặc điểm được miêu tả chi tiết trong câu 6-8, mà những điều đó chỉ có ở Chúa Cứu Thế Jesus.
Không một ai có thể mang lấy tâm tình hay bắt chước tâm tình của Chúa Jesus nếu không có chính Ngài sống trong mình. Chỉ khi nào chính Ngài giáng trần vào trong cuộc đời chúng ta, sống thay cho chúng ta, khi đó chúng ta mới có được những đặc tính hay tâm tình của Ngài và có thể trở thành nhà lãnh đạo thuộc linh đúng nghĩa. Vì Chúa Cứu Thế Jesus đang sống trong mình, chúng ta hãy để cho tâm tình của Ngài biểu lộ trong và qua chúng ta: tôn cao Chúa, tôn trọng người khác, và nghĩ đến hạnh phúc của người khác thay vì chính mình. Chính sự nhập thể của Chúa Jesus đã làm cho con người với bản chất xấu xa và ích kỷ này có thể trở thành những nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính và đầy đủ ý nghĩa nhất. Đó chính là mẫu người lãnh đạo thuộc linh mà Hội Thánh Đức Chúa Trời cần trải qua các thời đại. Có lẽ một trong những lời cầu nguyện của chúng ta trong mùa Giáng Sanh này là: “Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, xin Ngài đoái thương dân tộc và Hội Thánh Việt Nam chúng con trên toàn thế giới, tiếp tục dấy lên cho chúng con những nhà lãnh đạo thuộc linh để dẫn dắt dân sự của Chúa đến với chính Chúa Cứu Thế Jesus là Đấng Chăn Chiên Lớn của chúng con. Amen!"