Wednesday, November 3, 2010

Chức việc của Nhà Lãnh đạo Thuộc linh

"Ta ở trước mặt Ðức Chúa Trời và trước mặt Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; những vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ" (II Ti-mô-thê 4:1-4)

Suy gẫm:
Đây là những lời tâm huyết cuối cùng của sứ đồ Phao-lô để lại cho Ti-mô-thê, nhà lãnh đạo thuộc linh của Hội Thánh Đức Chúa Trời tại thành phố Ê-phê-sô. Trước hết, sứ đồ Phao-lô nói: "Ta ở trước mặt Ðức Chúa Trời và trước mặt Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con." Việc khuyên bảo Ti-mô-thê mang tính chất long trọng (solemn) và vô cùng quan trọng vì được thực hiện trước mặt (sự hiện diện) Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi nói điều này, sứ đồ Phao-lô cho Ti-mô-thê biết rằng mọi sinh hoạt trong đời sống cá nhân và chức vụ công khai của ông đều ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Hơn nữa, chỉ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ là Đấng mà ông phải khai trình lại về đời sống và chức vụ của mình, và Ngài là thẩm quyền tối hậu thẩm định đời sống và chức vụ của ông. Lắm khi người hầu việc Chúa quá quen thuộc với chức vụ và con người lại quên hẳn điều này. Chính vì thế, chúng ta đánh mất đi tính chất thiêng liêng và cao trọng của chức vụ mình. Khi một người hầu việc Chúa hay nhà lãnh đạo thuộc linh đánh mất đi sự cẩn trọng này trong chức vụ, người đó sẽ xem chức vụ như một nghề nghiệp và hội thánh như một tổ chức của đời, và không từ chối làm bất cứ điều tồi lệ nào mình có thể làm. Khi ấy, người đó sẽ phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác vì xem mình là chúa của mình, không có ai để mình phải khai trình lại. Họ khác với vua Đa-vít ngày xưa đã nói: Tôi hằng để Đức Giê-hô-va trước mặt tôi (Thi thiên 16:8a) khi ông thi hành chức vụ của mình. Thêm vào đó, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đến tính chất cấp bách và cận kề (imminent) của sự tái lâm của Chúa Jesus qua việc ông sử dụng thì tương lai gần. Như thế, vị sứ đồ tin rằng Chúa càng gần trở lại chừng nào, ông càng phải thi hành chức vụ mình cách cẩn trọng và rao giảng Tin Lành của Ngài cho mọi người chừng nấy.
Sự tái lâm của Chúa Jesus Christ thôi thúc người lãnh đạo thuộc linh buộc mình vào trong chức vụ rao giảng Tin Lành mà không tùy thuộc vào hoàn cảnh: "Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi." Hoàn cảnh chung quanh và hiện tại không thể là lý cớ làm cho người lãnh đạo thuộc linh trì hoãn hay chán nãn trong việc rao giảng Tin Lành. Người đó cần có một cái nhìn xuyên suốt vào cõi đời đời và thấy Đấng đang đứng cuối đường để đón tiếp những đầy tớ “ngay lành và trung tín” của Ngài. Thay vì ngồi bó gối và bi quan về hoàn cảnh hay tình trạng của những ngày cuối cùng, người lãnh đạo thuộc linh cần phải chống chọi lại những lượn sóng thế tục đang lan tràn bằng tinh thần tích cực như: cố khuyên, lấy lòng nhịn nhục, và cứ dạy dỗ chẳng thôi. Đứng trước tình trạng thuộc linh đổ nát của hội thánh, trách nhiệm của nhà lãnh đạo thuộc linh là: bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, dạy dỗ. Muốn làm được những việc như thế, đời sống và chức vụ của người lãnh đạo thuộc linh phải thánh khiết, ngay thẳng, chân thật. Bằng không những điều họ nói sẽ trở thành bản án cho chính mình.
Sứ đồ Phao-lô giải thích lý do của việc phải hết lòng thi hành chức vụ của mình: "Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn." Đây là dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng. Người ta không muốn nghe “đạo lành” (sound teaching) nhưng thích nghe những lời êm tai (itching ears) là những điều đem lại thích thú cho tâm trí và bản tánh xác thịt, thay vì mang lại sự gây dựng đời sống thuộc linh. Những giáo sư giả quy tụ chung quanh mình những thành phần không vững vàng về đạo lành và chân chính, tiêm nhiễm dân sự Chúa bằng những lý lẽ huyền hoặc nghe tưởng chừng như là đạo thật mà là đạo giả. “Chuyện huyễn” là những câu chuyện mang tính hoang đường, xây dựng trên sự dối trá của các giáo sư giả tại Ê-phê-sô và Cơ-rết (1 Ti 1:4; 4:7; và Tít 1:14). Khi con người đã mở tai cho những chuyện huyễn thì họ sẽ “bịt tai không nghe lẽ thật.”
Ngược lại với các giáo sư giả chuyên nói chuyện huyễn, sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê như sau: "Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ." “Nhưng con” đồng nghĩa với “còn về phần con.” Đây là một sự phân biệt rõ ràng giữa giáo sư giả và giáo sư thật chuyên giảng dạy Lời Chúa. Đặc điểm của người rao giảng Lời Chúa và nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính là: tiết độ (self-controlled) hay có một tâm trí tỉnh táo (clear-mindedness). Người tiết độ là người vừa phải, không thái quá cũng không buông thả, biết kiểm soát chính mình. Đức tính này thông thường gắn liền với sự tái lâm của Chúa Jesus Christ. Người thế gian hay giáo sư giả không quan tâm đến sự tái lâm của Chúa Jesus, nhưng nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính sẽ luôn quan tâm đến sự kiện quan trọng này vì đó chính là động cơ thúc đẩy họ rao giảng lẽ thật. Chẳng những phải tiết độ nhưng còn phải chịu khổ (enduring suffering or hardship) vì Tin Lành mình rao giảng. Không ai muốn rao giảng Tin Lành chân thật mà lại không phải chịu khổ vì đó là cách chia sẻ sự thương khó với Chúa Jesus. Khi một nhà lãnh đạo thuộc linh làm việc của người giảng Tin Lành thì chắc chắn phải chịu khổ vì Tin Lành, không phải do lối sống không tin kính của mình gây ra. Nhưng không vì khổ mà không làm việc của người giảng Tin Lành và không làm trọn chức vụ của mình. Vì thế, khi làm nhà lãnh đạo thuộc linh mà không làm công việc “thuộc linh” thì tự mình chứng tỏ rằng không còn là một người được Chúa chọn để làm công việc của Ngài. Trách nhiệm và công việc của người hầu việc Chúa là giảng Tin Lành chứ không phải "tin dữ," cứu người chứ không phải giết người, yên ủi và khích lệ người khác đến gần Chúa chứ không phải dựng chuyện dối trá và học thói điêu ngoa của đời để tố cáo người khác hay anh em đồng lao (2 Cô-rinh-tô 10:8). Khi làm công việc của người giảng "tin dữ" hay dối trá tức là chúng ta đang làm công việc của ma quỷ, không phải công việc của Đức Chúa Trời, đánh mất uy quyền trong sự giảng dạy và khiến cho con dân Chúa ngán ngẫm sự giảng dạy của mình. Khi một nhà lãnh đạo thuộc linh làm trọn chức vụ mình thì sẽ không còn thì giờ để tố cáo, kiện thưa người khác.
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa trở lại, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo thuộc linh bị băng hoại, biến chất, bỏ chức vụ và hội thánh trốn để chạy cứu lấy mạng sống mình, tìm kiếm cuộc sống an nhàn do vật chất và thế gian ban cho, tố cáo nhau và ghen ghét nhau. Là những nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính chúng ta cần phải quyết tâm nhờ ơn Chúa giữ đời sống sống thánh khiết, sống cách ngay thật để có thể rao giảng lẽ thật của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải là những con người giảng Tin Lành chân thật, sẵn sàng chịu khổ vì Tin Lành mình rao giảng, làm việc của người giảng Tin Lành, và làm trọn chức vụ Chúa và Hội Thánh giao phó. Xin Chúa thương xót mỗi người chúng ta là những nhà lãnh đạo thuộc linh của Hội Thánh Ngài trong khi chờ đợi Chúa Jesus yêu dấu chúng ta trở lại. Amen!

Monday, June 28, 2010

Chọn Người Lãnh Đạo Thuộc Linh

Tít (Titus) 1:5-9
"Ta đã để con ở lại Cơ-rết, đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp, và theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành. Mỗi người trong vòng trưởng lão đó phải cho không chỗ trách được, chỉ chồng của một vợ; con cái phải tin Chúa, không được bị cáo là buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì người giám mục làm kẻ quản lý nhà Ðức Chúa Trời thì phải cho không chỗ trách được. Chẳng nên kiêu ngạo, giận dữ, ghiền rượu, hung tàn, tham lợi; nhưng phải hay tiếp đãi khách, bạn với người hiền, khôn ngoan, công bình, thánh sạch, tiết độ, hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả"

Suy gẫm:
Sứ đồ Phao-lô để Tít tại đảo Cơ-rết (Crete) trong một bối cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp. Sự phức tạp và khó khăn mà Tít đối diện không phải do sự suy thoái của nền kinh tế gây nên nhưng là sự suy đồi và băng hoại về đạo đức của xã hội bên ngoài đang bò dần vào trong Hội Thánh của Chúa. Để có thể giữ vững được con thuyền thuộc linh mà không bị nhận chìm bởi dòng nước thế tục dơ nhớp, sứ đồ Phao-lô cho biết Hội Thánh cần phải có những nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính. Đây là phương cách duy nhất để cho Hội Thánh đối phó, chống chọi, bảo tồn, và phát triển giữa một xã hội đen nghịt. Tít được Phao-lô ủy thác một công tác vô cùng quan trọng là lựa chọn người lãnh đạo cho Hội Thánh. Sứ đồ Phao-lô đưa ra tiêu chuẩn để Tít dựa vào đó chọn người lãnh đạo thuộc linh cho Hội Thánh Đức Chúa Trời hoàn toàn thuộc trong phạm trù nhân cách (chính con người) hơn là tài năng của người lãnh đạo.Tiêu chuẩn này được tóm lại trong cụm từ “không chỗ trách được” (beyond or above reproach hay without fault). Phẩm chất thuộc linh này rất quan trọng nên ông nhắc đến hai lần (c. 6, 7). “Không chỗ trách được” có thể được hiểu là “điều kiện ắt có và đủ” của người lãnh đạo thuộc linh. Một người “không chỗ trách được” có nghĩa là người không ai có thể kiện cáo hay buộc tội vì hành động và đời sống của người đó. Người ta có thể “vu cáo” nhưng không thể “kiện cáo” người đó. Người đó cũng chẳng đi kiện cáo ai vì đó là việc làm của ma quỷ (Gióp 1:6-10; Khải 12:10).
Sứ đồ Phao-lô giải thích tình trạng “không chỗ trách được” trước hết là người có một gia đình gương mẫu: chồng một vợ, con cái phải tin Chúa và không sống buông tuồng phóng đãng theo tình dục và không biết vâng lời như người chưa tin Chúa. Cụm từ “con cái phải tin Chúa” đồng nghĩa với việc “giữ con cái mình cho vâng phục” (1 Ti-mô-thê 3:4). Ở đây sứ đồ Phao-lô không phân biệt con cái đã trưởng thành lập gia đình riêng hay chưa, vì dẫu cho lập gia đình rồi thì cũng vẫn là con của mình. Con cái là sản phẩm của sự giáo dục và bản tính di truyền của cha mẹ. Sứ đồ Phao-lô nói làm thế nào chúng ta biết một người có thể lãnh đạo Hội Thánh của Đức Chúa Trời hay không? Hãy nhìn vào gia đình của người đó, cách người đó nuôi dạy con cái. Con cái chính là sản phẩm của đời sống thuộc linh và đạo đức của họ. Theo Phao-lô, người lãnh đạo thuộc linh là người quản lý nhà của Đức Chúa Trời mà không biết dạy dỗ con cái thì làm sao cai trị được nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh? Nếu họ đã không đủ tiêu chuẩn cai trị nhà riêng mình thì làm sao đủ tiêu chuẩn cai trị cả nhà của Đức Chúa Trời? Người đó chưa thấu triệt được nguyên tắc này: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”
Sự “không chỗ trách được” của người lãnh đạo có nghĩa là “không kiêu ngạo, giận dữ, ghiền rượu, hung tàn và tham lợi.” Từ “kiêu ngạo” ở đây nói đến bản chất kiêu căng thừa hưởng nơi ma quỷ (2 Phi 2:10). Người kiêu căng hay kiện cáo người khác vì cho rằng mình đúng và người khác sai. Đây là sự mù lòa tâm linh xuất phát từ bản chất chưa được Chúa Thánh Linh tái tạo và biến đổi. Còn tính “giận dữ” được hiểu là tính mau giận hay mau phản ứng khi bị người khác đụng chạm đến danh dự hay chỉ ra những khuyết điểm của mình. Người đó sẽ mau nói, mau hành động để lộ cho người khác thấy con người thật của mình. Người lãnh đạo như thế sẽ gây nên sự tàn diệt hơn là gây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Đặc điểm “ghiền rượu” và “hung tàn” đi chung với nhau trong các Thư tín Giám mục của Phao-lô (1 Ti-mô-thê 3:3 và Tít 1:7). Vì để cho rượu điều khiển nên sanh ra hung tàn. Ngày nay có khi người lãnh đạo không bị say bởi “men” nhưng bị say bởi “cái tôi” tức là bị lòng tự ái, ganh tị, và tánh kiêu căng xui khiến để hung tàn và hành quyền (power abuse) cách không phù hợp với Lời Chúa, gây bao điều khổ não cho con dân Chúa và ô nhục cho danh vinh hiển của Ngài. “Tham lợi phi nghĩa” là điều không thể chấp nhận cho người lãnh đạo thuộc linh. Người lãnh đạo thuộc linh mà hay nói đến vấn đề tiền bạc là người có vấn đề về tiền bạc. Chức vụ người đó bị điều khiển bởi tiền bạc, nhìn mọi sự qua lăng kính tiền bạc, dùng tiền bạc để mua chuộc người khác nhằm tạo uy thế trong chức vụ. Họ tham tiền cho nên nghĩ ai cũng tham tiền như mình.
Thay vì những điều tiêu cực nêu trên, sứ đồ Phao-lô nói biểu hiện sự “không chỗ trách được” là “hay tiếp đãi khách, bạn với người hiền, khôn ngoan, công bình, thánh sạch, tiết độ, hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy.” Thay vì quan tâm đến phúc lợi và củng cố địa vị của mình, người lãnh đạo thuộc linh chân chính nghĩ đến người khác và sống bày tỏ vẻ đẹp của Chúa Jesus. “Bạn với người hiền” còn có nghĩa là người yêu mến những điều tốt lành. Người lãnh đạo tốt yêu mến những con người thuộc linh, không đứng và làm bạn với những con người xác thịt để làm những điều đem lại sự thỏa mãn cho bản tánh xác thịt. “Khôn ngoan” hay đúng hơn là có tâm trí tỉnh táo và sáng suốt để nhận định vấn đề. “Công bình” và “thánh sạch thường hay đi chung với nhau. “Công bình” nói đến việc tuân giữ luật pháp của Chúa và bày tỏ ra trong mối quan hệ với con người. Còn “thánh sạch” bàn đến khía cạnh tương quan với Chúa trong việc tuân giữ những đòi hỏi về đạo đức. Hai điều này rất cần cho người lãnh đạo thuộc linh giống như hai cây trụ chống đỡ đời sống thuộc linh của họ. “Tiết độ” liên quan đến tinh thần tự kỷ luật, không làm điều gì quá mấu hay quá khích, biết kiềm chế chính mình khi đối diện với sự bị tổn thương. Các đức tính “khôn ngoan, công bình, thánh sạch, tiết độ” là biểu hiện sự hiện diện đầy dẫy của Chúa Thánh Linh trong đời sống. “Hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy” liên quan đến khả năng hấp thụ những lời dạy của các sứ đồ và chuyển tải thành hành động bởi kinh nghiệm sống. Chính vì thế, người đó có khả năng khích lệ người khác theo đạo lành và bác lại những kẻ chống trả.
Có hai yếu tính trong phẩm chất “không chỗ trách được” mà Kinh Thánh Tân Ước đề cập đến: (a) đó là kết quả việc làm của Chúa trong đời sống của người tin Chúa thật (1 Cô-rinh-tô 1:8 và Cô-lô-se 1:22). Sứ đồ Phao-lô nói đây chính là dấu hiệu của một người được Chúa biến đổi và cũng là điểm đến cuối cùng trong hành trình thuộc linh của đời sống Cơ đốc; và (b) đó là kết quả của một tiến trình thử thách và dấu hiệu không thể thiếu được của người lãnh đạo thuộc linh (1 Ti-mô-thê 3:10; Tít 1:6, 7). Như vậy, phẩm chất “không chỗ trách được” là việc của Đức Chúa Trời làm ra trong đời sống của một con người thật lòng tin Chúa và là dấu hiệu để cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời nhận ra rằng người đó là một nhà lãnh đạo thuộc linh. Nếu một người kinh qua những thử thách của chức vụ mà thất bại thì người đó không còn xứng đáng ở trong vị trí lãnh đạo dân sự Đức Chúa Trời vì ân sủng của Chúa đã rút khỏi người đó như trường hợp của vua Sau-lơ ngày xưa. Qua thử thách, Sau-lơ chứng minh rằng mình không còn đủ tiêu chuẩn làm người lãnh đạo thuộc linh vì phẩm chất “không chỗ trách được” không còn chỗ trong đời sống của ông.
Hội Thánh của Đức Chúa Trời trải qua các thời đại có những lúc phải đi qua những ngày đen tối do ảnh hưởng của tinh thần thế tục. Làm thế nào Hội Thánh của Chúa có thể đứng vững và vượt qua được những khó khăn và đứng thẳng để đối đầu với sự thế tục hóa và “giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian”? Đó là trách nhiệm của Hội Thánh phải chọn cho mình những nhà lãnh đạo “không chỗ trách được.” Hội Thánh luôn luôn cần có người tài để làm công việc Chúa. Nhưng chữ tài ở đây có nghĩa là tài đức chứ không phải là tài tình về chánh trị, thủ đoạn, mưu mẹo, mánh khóe, và gian dối. Có tài mà không có đức thì đó là một tai họa và không sớm thì muộn sẽ bị lộ ra và gây cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời điên đảo, khốn khổ. Có thể trong thời gian người tài mà vô đạo đức có vẻ thành công. Nhưng về lâu về dài thì sẽ giống như vua Sau-lơ, A-háp, và Hê-rốt. Hội Thánh của Đức Chúa Trời cần những người có đức độ thuộc linh, có lòng kính sợ Chúa, và có tấm lòng chánh trực, liêm khiết, can đảm đối diện sự thật và sống chết cho lẽ thật.
Nhìn lại 100 năm của lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Đức Chúa Trời đã từng ban cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chúng ta những nhà lãnh đạo tin kính Chúa như: Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Mục sư Lê Văn Thái, Mục sư Ông Văn Huyên, Mục sư Đoàn Văn Miêng, Mục sư Phạm Xuân Tín, Mục sư Phạm Xuân Thiều. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục đoái thương ban cho Hội thánh Việt Nam chúng ta những nhà lãnh đạo thuộc linh xứng đáng để dẫn đưa dân sự của Ngài đến “đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh” (Thi-thiên 23). Nhưng sự ban cho này của Đức Chúa Trời được ủy thác cho dân sự Đức Chúa Trời trong việc họ chọn người lãnh đạo cho mình. Chọn người lãnh đạo là trách nhiệm của Hội Thánh Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh của Ngài quyền tự do để lựa chọn cho mình những nhà lãnh đạo xứng đáng hầu mang lại sự gây dựng cho đời sống thuộc linh của con dân Chúa, danh Chúa không bị bêu xấu giữa vòng người ngoại. Chúng ta không thể quy hết trách nhiệm cho Đức Chúa Trời vì Ngài ban cho chúng ta quyền tự do để chọn người lãnh đạo của mình. Việc chọn người lãnh đạo sẽ quyết định cho cả số phận của một cộng đồng đức tin và dân tộc.

Tuesday, March 30, 2010

Trách nhiệm đối với người Lãnh đạo

1 Ti-mô-thê (Timothy) 5:17-20
Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhứt là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ. Vì Kinh Thánh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đương đạp lúa; và người làm công thì đáng được tiền công mình. Ðừng chấp một cái đơn nào kiện một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng. Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ.

Suy gẫm:
Trong thư gửi cho người con thuộc linh là Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô đưa ra lời hướng dẫn biết cách nào để điều hành công việc Chúa trong Hội thánh tại Ê-phê-sô. Đây cũng là nguyên tắc làm việc chung trong hội thánh của Chúa trải qua các thời đại. Tại đây, sứ đồ nói đến trách nhiệm của hội thánh của Chúa đối với những người lãnh đạo hội thánh địa phương nói riêng và hội thánh toàn cầu nói chung. Sự lãnh đạo ngày xưa trong hội thánh nằm trong tay các trưởng lão (elders) hay còn gọi là giám mục (bishops) (1 Ti-mô-thê 3:1-8; Tít 1:5-9). Trong hội thánh địa phương, trưởng lão hay giám mục chính yếu chuyên trách sự giảng dạy, còn chấp sự (deacons) chuyên trách hành chánh. Theo tinh thần này, một số hội thánh trong một vài giáo phái ngày nay cũng có hai chức vụ chính yếu: mục sư và chấp sự. Trách nhiệm chính của Mục sư là chăm lo đời sống tâm linh của con dân Chúa bằng sự giảng dạy, chăm sóc, khải đạo; còn ban Chấp sự giúp mục sư để chuyên lo về hành chánh và các vấn đề liên quan đến phương diện thuộc thể của con cái Chúa trong hội thánh. Sứ đồ Phao-lô đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn sau đây cho Ti-mô-thê lẫn hội thánh để biết cách đối xử với những người lãnh đạo trong hội thánh như thế nào.

Hội thánh phải biết kính trọng chức vụ và chăm lo đời sống của người lãnh đạo hội thánh. Sứ đồ Phao-lô đưa ra một đặc điểm rất quan trọng của người lãnh đạo hội thánh cần phải có để được người khác kính trọng là “khéo cai trị hội thánh.” Trong nguyên văn Tân Ước, từ “khéo cai trị” có nghĩa là “lãnh đạo cách có hiệu quả” hay “lãnh đạo giỏi.” Sứ đồ Phao-lô không nói đến sự “khéo léo” của tài mưu mẹo, luồng lách, tráo trở, thủ đoạn, gian dối, hay độc tài của người lãnh đạo thế tục, nhưng là việc dùng Lời Chúa làm căn bản cho chức vụ của mình và lãnh đạo dân sự Chúa bằng sự công chính, ngay thẳng, thanh liêm, nhu mì, khiêm nhường, và biết tôn trọng người khác. Nhiên hậu, hội thánh của Chúa sẽ tôn trọng người lãnh đạo kính sợ Chúa bội phần hơn, nhất là người có chức vụ rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa. Người lãnh đạo hội thánh có được sự tôn trọng là do nếp sống đạo đức, tin kính, và ân tứ giảng dạy Chúa ban, chứ không phải vì có chức vụ. Người lãnh đạo không thể đòi hỏi người khác tôn trọng mình vì có chức vụ nhưng phải do đời sống mẫu mực và cách thi hành chức vụ của mình đối với dân sự của Ngài. Từ “tôn trọng” (honor) tại đây cùng nghĩa với từ ngữ “kính trọng” trong I Ti-mô-thê 5:3 phía trên, bao gồm cả sự kính trọng lẫn cung cấp nhu cầu vật chất cho người được kính trọng. Từ “bội phần” có nghĩa là “gấp đôi.” Như thế, sứ đồ Phao-lô nói hội thánh của Chúa phải có trách nhiệm kính trọng và chăm lo đời sống vật chất cho người hầu việc Chúa, là những người hết lòng yêu mến Chúa và yêu mến hội thánh của Ngài, chuyên tâm rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa cho mình. Sứ đồ Phao-lô trích dẫn Phục Truyền 25:4: “Chớ khớp miệng con bò trong khi nó đạp lúa,” để nói đến việc người hầu việc Chúa phải được hội thánh chăm lo đời sống vật chất là điều đương nhiên, giống như người làm việc phải đáng được hưởng tiền công của mình, như con bò đạp lúa thì đáng phải được cho ăn cỏ vậy. Vật chất, tiền bạc không phải là phương tiện hội thánh dùng để “điều khiển” người lãnh đạo nhưng để bày tỏ lòng quý mến và kính trọng đối với người hầu việc Chúa trong hội thánh.

Hội thánh đừng nên thưa kiện người lãnh đạo nếu không có đủ bằng chứng. Sứ đồ Phao-lô không hề ngăn cấm việc thưa kiện nhưng phải có bằng chứng đầy đủ và rõ ràng. Nếu không thì hội thánh của Chúa sẽ mang tội trước mặt Chúa về tội vu khống và đó là công việc của ma quỷ. Là con người, những nhà lãnh đạo hội thánh có lúc cũng lầm lỗi như bao nhiêu người khác. Vì thế, khi họ có lỗi hay sai phạm nghiêm trọng, hội thánh của Chúa phải có trách nhiệm đối với chức vụ của họ. Nếu có bằng chứng cụ thể, rõ ràng thì hội thánh của Chúa phải giải quyết và không nên im lặng vì nể tình mà gây cớ vấp phạm cho hội thánh và tai tiếng cho danh Chúa. Hội thánh của Đức Chúa Trời không nên che đậy, bưng bít, bào chữa tội lỗi của những nhà lãnh đạo hội thánh. Làm như thế chẳng khác nào chất chứa chứng bệnh ung thư hay che đậy ung nhọt mà không chịu chữa trị. Vì người lãnh đạo hội thánh có ảnh hưởng lớn trên hội thánh của Chúa và cả cộng đồng người chưa tin Chúa bên ngoài, nên khi người lãnh đạo sai phạm thì ảnh hưởng của việc họ làm sẽ có tác hại rất lớn cho hội thánh và danh Chúa giữa vòng người ngoại. Do đó, hội thánh không nên để mặc cho người lãnh đạo muốn làm gì thì làm, làm những điều sai trái, gây tác hại cho uy tín của hội thánh và danh vinh hiển của Chúa. Sứ đồ Phao-lô nói hội thánh của Đức Chúa Trời phải biết quở trách những nhà lãnh đạo có lỗi mà không biết ăn năn (trong nguyên bản là "cứ tiếp tục đắm mình trong tội lỗi") cách công khai giữa mọi người ngõ hầu làm gương cho những người khác. Từ “quở trách” (rebuke) trong nguyên văn Tân Ước có nghĩa là phơi bày tội lỗi của người đó cách công khai để làm gương cho người khác (III Giăng 10). Đây cũng chính là tinh thần Chúa Jesus dạy về việc thi hành kỷ luật trong hội thánh đối với người có lỗi (Ma-thi-ơ 18:15-20). Tuy nhiên, việc này cần phải làm trong tinh thần trật tự, kính sợ Chúa và tôn trọng nhau, chứ không phải tố cáo bừa bãi làm mất danh dự người lãnh đạo và thanh danh hội thánh của Chúa.

Sứ đồ Phao-lô không hề sử dụng quan niệm “đừng đụng đến người được xức dầu của Đức Chúa Trời” để bao che cho nhà lãnh đạo làm những việc sai lầm, tội lỗi, gây tổn thương cho hội thánh và cho danh Chúa. Chính ông đã từng quở trách sứ đồ Phi-e-rơ trước mặt mọi người về việc làm sai trái mà ông không hề sợ “đụng đến người chịu xức dầu của Chúa” (Ga-la-ti 2:14). Thỉnh thoảng có người sử dụng câu nói của Đa-vít nói về việc không nên “đụng đến người được Chúa xức dầu” là Sau-lơ để đe dọa tôi con Chúa nhằm chống chế tội lỗi của mình, không chịu ăn năn. Đây là những người có bản chất độc tài, thiếu đạo đức, sợ người khác hơn mình nên mới sử dụng thuật tâm lý tầm thường này. Thay vì trách nhiệm của hội thánh là phải giải quyết những trường hợp như thế, con dân và tôi tớ Chúa lại quy trách nhiệm “để cho Chúa giải quyết” vì sợ “đụng đến người được xức dầu của Chúa!” Có ít nhất hai điều chúng ta cần phải phân biệt giữa câu chuyện của Đa-vít đối với Sau-lơ ngày xưa và hội thánh trong Tân Ước ngày nay: (a) Việc Đa-vít nói ông không dám đụng đến Sau-lơ là chỉ nói đến việc ông không đụng đến mạng sống của Sau-lơ mà thôi (1 Sa-mu-ên 21:7; 26:9-11). Thay vì im lặng tiếp tục để cho Sau-lơ lún sâu vào con đường tội ác, Đa-vít lên tiếng để cho Sau-lơ thấy cái sai của mình hầu biết ăn năn. Có ít nhất hai lần chính Đa-vít đã từng lên tiếng công khai để cảnh tỉnh Sau-lơ về việc làm sai trái của vua (1 Sa-mu-ên 24:8-15; 26:17-20). Vì Đa-vít cũng là người được Chúa xức dầu, nên khi Sau-lơ săn đuổi và tìm cách để giết Đa-vít cho bằng được, thì chính ông đã phạm tội “đụng đến người xức dầu của Chúa.” Hậu quả là Chúa để cho Sau-lơ đi đến chỗ tự hủy diệt chính mình trên núi Ghinh-bô-a; (b) Ngày xưa trong thời Cựu Ước, chỉ có những người như vua, thầy tế lễ, tiên tri được gọi là người đuợc Chúa xức dầu. Ngày nay trong thời Tân Ước, tất cả mọi người từ “tôi tớ Chúa” cho đến “con cái Chúa” đều được Chúa xức dầu trong một mức độ nào đó để phục vụ Chúa trong hội thánh, vì mỗi người đều có Thánh Linh của Đức Chúa Trời (1 Giăng 2:20, 27 - sứ đồ Giăng sử dùng cùng một từ và quan niệm của sự xức dầu trong Cựu Ước). Như thế, khi một người tìm cách làm hại bạn đồng lao hay con cái Chúa thì hành động đó cũng được xem là “đụng đến người được Chúa xức dầu” trong nghĩa bao quát nhất của nó. Có thể nói, lối giải thích và sử dụng việc “đừng đụng đến người xức dầu của Chúa” để dung túng cho tội lỗi trong hội thánh của Đức Chúa Trời chính là do sự hiểu biết thiển cận về Lời Chúa và tinh thần thiếu nhiệm của hội thánh đối với những người lãnh đạo của mình. Chúng ta không nên lạm dụng Lời Chúa để dung túng những người hành động sai lầm, gây tác hại, tổn thương đến thanh danh và uy tín của hội thánh hay giáo hội, và ngay cả danh Chúa. Khi làm như vậy, người lãnh đạo không bao giờ được phước, hội thánh của Chúa cũng không được phước, và cả hai sẽ đi đến chỗ diệt vong.

Wednesday, February 10, 2010

Đặc điểm của Nhà Lãnh đạo Thuộc Linh

Tiên tri Sa-mu-ên xuất hiện trên sân khấu thuộc linh trong một thời điểm vô cùng đen tối của dân sự Đức Chúa Trời. Giô-suê ra đi để lại một di sản thuộc linh đổ nát, không có người kế thừa . Suốt thời kỳ các Quan xét dân sự của Đức Chúa Trời bước đi trong chốn lầm than và kiếp đọa đày, sống trong cảnh đen tối và u buồn dưới ách thống trị của kẻ thù là dân ngoại. Nhiều lần họ kêu la và được Đức Chúa Trời giải cứu sau những lần thất bại ê chề của tội thờ lạy thần tượng, lìa bỏ Đấng tạo dựng và làm nên lịch sử cho chính mình. Về phương diện cá nhân, sự ra đời của Sa-mu-ên là một phép lạ. Sa-mu-ên là đứa con của sự khấn vái và than thở trước mặt Đức Chúa Trời và được Ngài nhậm lời. Mẹ của Sa-mu-ên là một người phụ nữ trung tín và thành tâm kính sợ Đức Chúa Trời. Bà sớm hoàn trả lời hứa nguyện cho Ngài mặc dầu phải trả một giá khá đắt. Hơn thế nữa, Sa-mu-ên được lớn lên hấp thụ bầu không khí tin kính nhưng rồi cuối cùng được đưa vào trong một môi trường tưởng chừng như là thánh thiện mà hóa ra là ổ trộm cướp của cha con thầy tế lễ Hê-li! Chính sự giáo dục gia đình từ thuở tấm bé đã trồng trong Sa-mu-ên một lòng kính sợ Đức Chúa Trời, cứu chàng không bị ô nhiễm bầu không khí bất kính và vô đạo của hai con trai thầy tế lễ Hê-li. Bổng dưng một đêm có tiếng phán từ trời chọc thủng bầu không khí ảm đạm và u buồn của đền thờ tại Si-lô. Tiếng phán đó đập mạnh vào tâm trí và đâm thấu vào tấm lòng của cậu bé Sa-mu-ên để biệt riêng con người này cho Đức Chúa Trời. Chương trình của Chúa cho Sa-mu-ên giữa vòng dân sự Ngài thật lớn lao và cao trọng. Chính vì thế, Đức Chúa Trời bỏ công sức để nhào nặn con người này hầu cân xứng và phù hợp với ơn kêu gọi và thánh vụ Sa-mu-ên sẽ đảm nhận trong tương lai. Có ba điều vô cùng quan trọng mà Thánh Kinh hé mở cho thấy liên quan đến phẩm chất thuộc linh trong đời sống của Sa-mu-ên, nhà lãnh đạo thuộc linh của dân sự Đức Chúa Trời:
1. Đức Chúa Trời không để một lời nào của Sa-mu-ên ra hư (I Sa 3:19). Trong nguyên văn, từ “ra hư” ở đây có nghĩa là “không được hoàn nghiệm” (unfulfilled) hay “rơi xuống đất” (fall to the ground). Đức Chúa Trời ban cho Sa-mu-ên Lời của Ngài và sự rao giảng của ông có linh quyền và được hoàn nghiệm. Phẩm chất của người lãnh đạo thuộc linh được chứng tỏ trong lời người đó nói, ngôn từ người đó sử dụng. Dấu hiệu đầu tiên của một người được Chúa dùng là Ngài thánh hóa môi miệng và đặt Lời của Ngài trong người đó (Ê-sai 6:6-7). Đức Chúa Trời nắm giữ môi miệng để cho Lời người đó rao giảng trở nên có linh quyền và hoàn nghiệm, không để lời nào “rơi xuống đất” nhưng dán chặt vào tâm trí và tấm lòng con người.
2. Đức Chúa Trời ban cho Sa-mu-ên có chỗ đứng cao trọng trong lòng dân sự (I Sa 3:20). Đây là kết quả của việc lời nói của ông được Chúa bảo toàn. Sự thánh hóa và nhào nặn của Chúa bên trong lòng của Sa-mu-ên được biểu lộ ra bên ngoài, đến nỗi cả dân sự Y-sơ-ra-ên đều nhận biết ông là người của Đức Chúa Trời. Nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính không cần phải phô trương hay cố gắng chứng tỏ mình là người của Đức Chúa Trời. Chính sự ấn chứng bên trong của Thần Đức Giê-hô-va sẽ biểu lộ ra bên ngoài và dân sự của Ngài cảm nhận được. Sự nhận biết này được làm trong tâm trí của họ cách rõ ràng, không chút nhầm lẫn. Dân sự của Đức Chúa Trời cũng có sự hiện diện của Thánh Linh và sự nhận biết thiêng liêng để phân biệt đâu là tiên tri thật, đâu là tiên tri giả.
3. Đức Chúa Trời tiếp tục hiện ra với Sa-mu-ên (I Sa 3:21). Đây là tính chất liên tục của mối tương giao thân mật giữa Sa-mu-ên với Chúa để tiếp tục được Ngài đổ đầy bằng chính Lời của Ngài. Sự hiện ra của Chúa là dấu ấn của chức vụ của Sa-mu-ên. Điều này cho thấy tâm trí của ông luôn sống trong sự thức tỉnh và linh hồn ngửa trông nơi chính Chúa là Đấng ban cho ông chức vụ lãnh đạo dân sự của Ngài. Sa-mu-ên nhận thức sâu xa rằng ngày nào mình đánh mất đi mối tương giao kín nhiệm với Đức Chúa Trời, ngày đó ông sẽ trở nên trò cười cho dân sự và dân ngoại giống như Sam-sôn.
Với ba đặc điểm trên, Sa-mu-ên vẫn là mẫu mực của nhà lãnh đạo thuộc linh cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời trải qua các thời đại, nhất là cho giai đoạn khủng hoảng thuộc linh này. Amen!