Tuesday, March 30, 2010

Trách nhiệm đối với người Lãnh đạo

1 Ti-mô-thê (Timothy) 5:17-20
Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhứt là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ. Vì Kinh Thánh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đương đạp lúa; và người làm công thì đáng được tiền công mình. Ðừng chấp một cái đơn nào kiện một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng. Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ.

Suy gẫm:
Trong thư gửi cho người con thuộc linh là Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô đưa ra lời hướng dẫn biết cách nào để điều hành công việc Chúa trong Hội thánh tại Ê-phê-sô. Đây cũng là nguyên tắc làm việc chung trong hội thánh của Chúa trải qua các thời đại. Tại đây, sứ đồ nói đến trách nhiệm của hội thánh của Chúa đối với những người lãnh đạo hội thánh địa phương nói riêng và hội thánh toàn cầu nói chung. Sự lãnh đạo ngày xưa trong hội thánh nằm trong tay các trưởng lão (elders) hay còn gọi là giám mục (bishops) (1 Ti-mô-thê 3:1-8; Tít 1:5-9). Trong hội thánh địa phương, trưởng lão hay giám mục chính yếu chuyên trách sự giảng dạy, còn chấp sự (deacons) chuyên trách hành chánh. Theo tinh thần này, một số hội thánh trong một vài giáo phái ngày nay cũng có hai chức vụ chính yếu: mục sư và chấp sự. Trách nhiệm chính của Mục sư là chăm lo đời sống tâm linh của con dân Chúa bằng sự giảng dạy, chăm sóc, khải đạo; còn ban Chấp sự giúp mục sư để chuyên lo về hành chánh và các vấn đề liên quan đến phương diện thuộc thể của con cái Chúa trong hội thánh. Sứ đồ Phao-lô đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn sau đây cho Ti-mô-thê lẫn hội thánh để biết cách đối xử với những người lãnh đạo trong hội thánh như thế nào.

Hội thánh phải biết kính trọng chức vụ và chăm lo đời sống của người lãnh đạo hội thánh. Sứ đồ Phao-lô đưa ra một đặc điểm rất quan trọng của người lãnh đạo hội thánh cần phải có để được người khác kính trọng là “khéo cai trị hội thánh.” Trong nguyên văn Tân Ước, từ “khéo cai trị” có nghĩa là “lãnh đạo cách có hiệu quả” hay “lãnh đạo giỏi.” Sứ đồ Phao-lô không nói đến sự “khéo léo” của tài mưu mẹo, luồng lách, tráo trở, thủ đoạn, gian dối, hay độc tài của người lãnh đạo thế tục, nhưng là việc dùng Lời Chúa làm căn bản cho chức vụ của mình và lãnh đạo dân sự Chúa bằng sự công chính, ngay thẳng, thanh liêm, nhu mì, khiêm nhường, và biết tôn trọng người khác. Nhiên hậu, hội thánh của Chúa sẽ tôn trọng người lãnh đạo kính sợ Chúa bội phần hơn, nhất là người có chức vụ rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa. Người lãnh đạo hội thánh có được sự tôn trọng là do nếp sống đạo đức, tin kính, và ân tứ giảng dạy Chúa ban, chứ không phải vì có chức vụ. Người lãnh đạo không thể đòi hỏi người khác tôn trọng mình vì có chức vụ nhưng phải do đời sống mẫu mực và cách thi hành chức vụ của mình đối với dân sự của Ngài. Từ “tôn trọng” (honor) tại đây cùng nghĩa với từ ngữ “kính trọng” trong I Ti-mô-thê 5:3 phía trên, bao gồm cả sự kính trọng lẫn cung cấp nhu cầu vật chất cho người được kính trọng. Từ “bội phần” có nghĩa là “gấp đôi.” Như thế, sứ đồ Phao-lô nói hội thánh của Chúa phải có trách nhiệm kính trọng và chăm lo đời sống vật chất cho người hầu việc Chúa, là những người hết lòng yêu mến Chúa và yêu mến hội thánh của Ngài, chuyên tâm rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa cho mình. Sứ đồ Phao-lô trích dẫn Phục Truyền 25:4: “Chớ khớp miệng con bò trong khi nó đạp lúa,” để nói đến việc người hầu việc Chúa phải được hội thánh chăm lo đời sống vật chất là điều đương nhiên, giống như người làm việc phải đáng được hưởng tiền công của mình, như con bò đạp lúa thì đáng phải được cho ăn cỏ vậy. Vật chất, tiền bạc không phải là phương tiện hội thánh dùng để “điều khiển” người lãnh đạo nhưng để bày tỏ lòng quý mến và kính trọng đối với người hầu việc Chúa trong hội thánh.

Hội thánh đừng nên thưa kiện người lãnh đạo nếu không có đủ bằng chứng. Sứ đồ Phao-lô không hề ngăn cấm việc thưa kiện nhưng phải có bằng chứng đầy đủ và rõ ràng. Nếu không thì hội thánh của Chúa sẽ mang tội trước mặt Chúa về tội vu khống và đó là công việc của ma quỷ. Là con người, những nhà lãnh đạo hội thánh có lúc cũng lầm lỗi như bao nhiêu người khác. Vì thế, khi họ có lỗi hay sai phạm nghiêm trọng, hội thánh của Chúa phải có trách nhiệm đối với chức vụ của họ. Nếu có bằng chứng cụ thể, rõ ràng thì hội thánh của Chúa phải giải quyết và không nên im lặng vì nể tình mà gây cớ vấp phạm cho hội thánh và tai tiếng cho danh Chúa. Hội thánh của Đức Chúa Trời không nên che đậy, bưng bít, bào chữa tội lỗi của những nhà lãnh đạo hội thánh. Làm như thế chẳng khác nào chất chứa chứng bệnh ung thư hay che đậy ung nhọt mà không chịu chữa trị. Vì người lãnh đạo hội thánh có ảnh hưởng lớn trên hội thánh của Chúa và cả cộng đồng người chưa tin Chúa bên ngoài, nên khi người lãnh đạo sai phạm thì ảnh hưởng của việc họ làm sẽ có tác hại rất lớn cho hội thánh và danh Chúa giữa vòng người ngoại. Do đó, hội thánh không nên để mặc cho người lãnh đạo muốn làm gì thì làm, làm những điều sai trái, gây tác hại cho uy tín của hội thánh và danh vinh hiển của Chúa. Sứ đồ Phao-lô nói hội thánh của Đức Chúa Trời phải biết quở trách những nhà lãnh đạo có lỗi mà không biết ăn năn (trong nguyên bản là "cứ tiếp tục đắm mình trong tội lỗi") cách công khai giữa mọi người ngõ hầu làm gương cho những người khác. Từ “quở trách” (rebuke) trong nguyên văn Tân Ước có nghĩa là phơi bày tội lỗi của người đó cách công khai để làm gương cho người khác (III Giăng 10). Đây cũng chính là tinh thần Chúa Jesus dạy về việc thi hành kỷ luật trong hội thánh đối với người có lỗi (Ma-thi-ơ 18:15-20). Tuy nhiên, việc này cần phải làm trong tinh thần trật tự, kính sợ Chúa và tôn trọng nhau, chứ không phải tố cáo bừa bãi làm mất danh dự người lãnh đạo và thanh danh hội thánh của Chúa.

Sứ đồ Phao-lô không hề sử dụng quan niệm “đừng đụng đến người được xức dầu của Đức Chúa Trời” để bao che cho nhà lãnh đạo làm những việc sai lầm, tội lỗi, gây tổn thương cho hội thánh và cho danh Chúa. Chính ông đã từng quở trách sứ đồ Phi-e-rơ trước mặt mọi người về việc làm sai trái mà ông không hề sợ “đụng đến người chịu xức dầu của Chúa” (Ga-la-ti 2:14). Thỉnh thoảng có người sử dụng câu nói của Đa-vít nói về việc không nên “đụng đến người được Chúa xức dầu” là Sau-lơ để đe dọa tôi con Chúa nhằm chống chế tội lỗi của mình, không chịu ăn năn. Đây là những người có bản chất độc tài, thiếu đạo đức, sợ người khác hơn mình nên mới sử dụng thuật tâm lý tầm thường này. Thay vì trách nhiệm của hội thánh là phải giải quyết những trường hợp như thế, con dân và tôi tớ Chúa lại quy trách nhiệm “để cho Chúa giải quyết” vì sợ “đụng đến người được xức dầu của Chúa!” Có ít nhất hai điều chúng ta cần phải phân biệt giữa câu chuyện của Đa-vít đối với Sau-lơ ngày xưa và hội thánh trong Tân Ước ngày nay: (a) Việc Đa-vít nói ông không dám đụng đến Sau-lơ là chỉ nói đến việc ông không đụng đến mạng sống của Sau-lơ mà thôi (1 Sa-mu-ên 21:7; 26:9-11). Thay vì im lặng tiếp tục để cho Sau-lơ lún sâu vào con đường tội ác, Đa-vít lên tiếng để cho Sau-lơ thấy cái sai của mình hầu biết ăn năn. Có ít nhất hai lần chính Đa-vít đã từng lên tiếng công khai để cảnh tỉnh Sau-lơ về việc làm sai trái của vua (1 Sa-mu-ên 24:8-15; 26:17-20). Vì Đa-vít cũng là người được Chúa xức dầu, nên khi Sau-lơ săn đuổi và tìm cách để giết Đa-vít cho bằng được, thì chính ông đã phạm tội “đụng đến người xức dầu của Chúa.” Hậu quả là Chúa để cho Sau-lơ đi đến chỗ tự hủy diệt chính mình trên núi Ghinh-bô-a; (b) Ngày xưa trong thời Cựu Ước, chỉ có những người như vua, thầy tế lễ, tiên tri được gọi là người đuợc Chúa xức dầu. Ngày nay trong thời Tân Ước, tất cả mọi người từ “tôi tớ Chúa” cho đến “con cái Chúa” đều được Chúa xức dầu trong một mức độ nào đó để phục vụ Chúa trong hội thánh, vì mỗi người đều có Thánh Linh của Đức Chúa Trời (1 Giăng 2:20, 27 - sứ đồ Giăng sử dùng cùng một từ và quan niệm của sự xức dầu trong Cựu Ước). Như thế, khi một người tìm cách làm hại bạn đồng lao hay con cái Chúa thì hành động đó cũng được xem là “đụng đến người được Chúa xức dầu” trong nghĩa bao quát nhất của nó. Có thể nói, lối giải thích và sử dụng việc “đừng đụng đến người xức dầu của Chúa” để dung túng cho tội lỗi trong hội thánh của Đức Chúa Trời chính là do sự hiểu biết thiển cận về Lời Chúa và tinh thần thiếu nhiệm của hội thánh đối với những người lãnh đạo của mình. Chúng ta không nên lạm dụng Lời Chúa để dung túng những người hành động sai lầm, gây tác hại, tổn thương đến thanh danh và uy tín của hội thánh hay giáo hội, và ngay cả danh Chúa. Khi làm như vậy, người lãnh đạo không bao giờ được phước, hội thánh của Chúa cũng không được phước, và cả hai sẽ đi đến chỗ diệt vong.