Monday, December 26, 2011

Nhập thể và Lãnh đạo Thuộc linh

Kinh thánh: Phi-líp (Philippians) 2:5-8
Hãy có đồng một tâm tình như Ðấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.


Tổng thống Bắc Hàn Kim Jong Il đột ngột từ trần vì bị nhồi máu cơ tim (heart attack) đang khi đi công tác bằng tàu lửa trong tuần rồi. Hưởng thọ 69 tuổi. Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Il lên kế vị cha mình là Tổng thống Kim Il Sung vào năm 1994. Suốt 17 năm cầm quyền, Kim Jong Il khét tiếng là cực kỳ độc tài thậm chí còn hơn cả cha mình, cai trị dân chúng bằng bàn tay sắt (with an iron fist), sống xa hoa trong nhung lụa, tham mê sắc dục, ăn uống thỏa thê với bao món ngon vật lạ ít nhất mỗi tuần như: tôm hùm (lobsters), uống rượu Pháp (French wine), súp vây cá mập (shark’s fin soup), cá sống (sushi) v.v… Cuộc sống xa hoa và sa đọa của Kim Jong Il và gia đình hoàn toàn trái ngược hẳn với sự thực trạng của một xã hội Bắc Hàn đa số dân chúng sống cảnh nghèo đói, rách nát và khốn khổ. Mặc dầu có đầy thế lực trong tay, lãnh đạo một quân đội đông đứng hàng thứ 5 trên thế giới, Kim Jong Il rất ít khi nào đi xa, ngại đi máy bay vì sợ chết! Khi cần, Ông đi bằng tàu hỏa (train) sang các nước láng giềng như Nga và Trung Quốc. Trong năm 2008, Kim Jong Il đã bị nhồi máu cơ tim một lần. Kể từ dạo ấy, sức khỏe ông thuyên giảm và kết thúc bằng sự ra đi đột ngột trong thứ Bảy 17/12/2011 vừa qua. Biết trước những ngày của mình không còn bao lâu, Kim Jong Il đã tìm cách tiến vị con trai thứ nhì của mình với người vợ thứ ba Ko Yong-hui, rất trẻ chưa đầy 30 tuổi là Kim Jong-un, người từng lấy tên khác theo học tại Thụy Sĩ (Switzerland), lên làm nhà lãnh đạo đất nước thay thế mình.

Hình ảnh của một vị tổng thống thế tục như Kim Jong Il hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của nhà lãnh đạo thuộc linh mẫu mực là Chúa Jesus. Vấn đề của Hội thánh Phi-líp gặp phải, đặc biệt là sự xung đột giữa những người lãnh đạo trong hội thánh (Phi-líp 2:2; so sánh với 4:2), sứ đồ Phao-lô cho biết xuất phát từ ba đặc điểm của bản tánh con người: (a) lòng tranh cạnh và tìm kiếm hư vinh; (b) tính kiêu căng và coi thường người khác; và (c) tìm kiếm tư lợi và chà đạp lên quyền lợi của người khác (2:3-4). Đó là bản chất tự nhiên của con người sa ngã thừa hưởng từ tổ phụ A-đam và Ê-va. Tất cả mọi người đều bị chi phối bởi những điều tầm thường này. Vì vấn đề thuộc phạm trù của con người và đụng đến bản chất sa ngã của con người, cho nên phương cách giải quyết cũng phải mang tính con người mới hợp lý và hữu hiệu đối với sự hiểu biết của con người. Chính vì thế, sứ đồ Phao-lô dùng giáo lý nhập thể của Chúa Jesus để giải quyết vấn đề này. Chúng ta hãy so sánh giữa bản chất con người và Thần Nhân Jesus:

Con người sa ngã:
= Tranh cạnh/không vâng phục + Tìm kiếm vinh hiển giả tạo
= Kiêu căng và coi thường người khác.
= Tìm kiếm tư lợi (tức chăm về lợi riêng mình)

Thần Nhân Jesus:
= Vâng phục Đức Chúa Trời + Gác bỏ qua sự vinh hiển vốn có (c. 6)
= Nhìn nhận và tôn trọng giá trị con người khi trở thành người (c. 7)
= Chịu chết để mang lại lợi ích cho con ngườivà thỏa mãn sự đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời (c. 8)

Chúa Jesus chính là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa, là Đức Chúa Trời mà Ngài đã từ bỏ vinh hiển vốn có mà không ai trong con người có thể sánh bằng để xuống thế làm người. Chúa Jesus không xuống thế để trở thành một vị vua hay tổng thống đầy quyền lực trong tay hay để thụ hưởng cuộc sống giàu sang phú quý trong trần gian này. Nhưng Ngài đến làm một con người tầm thường, hèn hạ và nghèo khổ nhất, bị con người chà đạp và phỉ nhổ trên mặt, và cuối cùng chọn cái chết sỉ nhục và đau đớn nhất. Chúa Jesus trở thành người không phải để trở thành nhà lãnh đạo trần gian nhưng Ngài đến để cho con người biết những đặc tính của một nhà lãnh đạo thuộc linh. Vấn đề của con người chúng ta là trong sự sa ngã, con người đã tự đánh mất đi sự vinh hiển và uy quyền do Đức Chúa Trời ban cho khi Ngài dựng con người nên trong hình ảnh của Ngài (Sáng thế ký 1:26). Vì thế, con người khao khát tự tạo cho mình sự vinh hiển và mong muốn hành quyền như thể là một con người có quyền thật sự trong tay, gọi là độc tài. Khi một người theo đuổi danh vọng, quyền lực, và sự thỏa mãn xác thịt, chứng tỏ rằng người ấy đang thiếu thốn và thèm muốn những điều mình đã đánh mất trong sự sa ngã. Là người hầu việc Chúa, nhà lãnh đạo thuộc linh phải theo đuổi mẫu mực của Chúa Jesus. Khi một nhà lãnh đạo thuộc linh không có những đức tính tìm thấy trong Chúa Cứu Thế Jesus, nói lên rằng người đó đang sống trong bịnh tật tâm linh và thiếu hụt sự hiện diện của Ngài.

Chúa Jesus luôn luôn là nhà lãnh đạo thuộc linh kiểu mẫu tuyệt vời nhất của nhân loại nói chung và của Hội Thánh Đức Chúa Trời nói riêng. Để có thể chống trả lại sức sống mãnh liệt của tinh thần thế tục và xác thịt vốn sẵn có trong con người chúng ta, không làm gì khác hơn là để cho tâm tình của Chúa Cứu Thế Jesus chiếm hữu và cai trị mình. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có.” Đây là một trong những câu rất khó dịch trong toàn bộ Tân Ước vì nó rất ngắn nhưng cô đọng trong ý tưởng. Nó bắt đầu một trong những bài ca về Đấng Christ Học (Christological hymns) của Hội Thánh đầu tiên, chứa đựng thần học nhập thể của Chúa Jesus. Từ được dịch là “tâm tình” (danh từ) ở đây thực ra là động từ “suy nghĩ” hay “có ý tưởng.” Lời khuyên của sứ đồ có thể giải thích như sau: chúng ta hãy nghĩ đến tâm tình hay những đặc điểm được miêu tả chi tiết trong câu 6-8, mà những điều đó chỉ có ở Chúa Cứu Thế Jesus.

Không một ai có thể mang lấy tâm tình hay bắt chước tâm tình của Chúa Jesus nếu không có chính Ngài sống trong mình. Chỉ khi nào chính Ngài giáng trần vào trong cuộc đời chúng ta, sống thay cho chúng ta, khi đó chúng ta mới có được những đặc tính hay tâm tình của Ngài và có thể trở thành nhà lãnh đạo thuộc linh đúng nghĩa. Vì Chúa Cứu Thế Jesus đang sống trong mình, chúng ta hãy để cho tâm tình của Ngài biểu lộ trong và qua chúng ta: tôn cao Chúa, tôn trọng người khác, và nghĩ đến hạnh phúc của người khác thay vì chính mình. Chính sự nhập thể của Chúa Jesus đã làm cho con người với bản chất xấu xa và ích kỷ này có thể trở thành những nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính và đầy đủ ý nghĩa nhất. Đó chính là mẫu người lãnh đạo thuộc linh mà Hội Thánh Đức Chúa Trời cần trải qua các thời đại. Có lẽ một trong những lời cầu nguyện của chúng ta trong mùa Giáng Sanh này là: “Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, xin Ngài đoái thương dân tộc và Hội Thánh Việt Nam chúng con trên toàn thế giới, tiếp tục dấy lên cho chúng con những nhà lãnh đạo thuộc linh để dẫn dắt dân sự của Chúa đến với chính Chúa Cứu Thế Jesus là Đấng Chăn Chiên Lớn của chúng con. Amen!"

Wednesday, November 23, 2011

Sự xức dầu với người lãnh đạo

Kinh thánh: Lu-ca (Luke) 4:18-22
Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do, và để đồn ra năm lành của Chúa. Ðoạn, Ngài xếp sách, trả lại cho kẻ giúp việc, rồi ngồi xuống; mọi người trong nhà hội đều chăm chỉ ngó Ngài. Ngài bèn phán rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó. Ai nấy đều làm chứng về Ngài, lấy làm lạ về các lời đầy ơn lành từ miệng Ngài ra, và nói rằng: Có phải con Giô-sép chăng?


Chúa Jesus là một nhà lãnh đạo thuộc linh tuyệt vời nhất Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại. Sự nhập thể của Chúa Jesus chẳng những cung ứng cho con người sự cứu rỗi nhưng còn khiến cho chức việc của những nhà lãnh đạo thuộc linh trở nên khả thi. Giáo lý nhập thể của Chúa Jesus nằm ngay trong trọng tâm của sự hiểu biết con người về Đức Chúa Trời và cung ứng một lối giải thoát con người ra khỏi sự thất bại do sự sa ngã gây ra, biến những gì bất khả thi trở nên khả thi. Trước khi Chúa Jesus trở thành Cứu Chúa của nhân loại qua sự chết và sống lại, Ngài trở thành nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính và kiểu mẫu. Việc Chúa Jesus trở thành nhà lãnh đạo thuộc linh gắn liền với công tác cứu chuộc nhân loại. Khi Chúa Jesus trở thành người, Ngài bước vào phạm trù và kinh nghiệm của đời sống con người. Trong kinh nghiệm sống đó, Chúa Jesus có thể chứng minh rằng tất cả những lãnh vực nào của đời sống con người đều có thể khả thi và vừa lòng Đức Chúa Trời nếu chúng ta để cho chính Ngài bước vào làm chủ đời sống của chúng ta. Trong đó, nó bao gồm cả việc trở thành một nhà lãnh đạo thuộc linh.

Việc Chúa Jesus trở thành nhà lãnh đạo thuộc linh tùy thuộc vào việc Ngài nhận lấy sự xức dầu của Chúa Thánh Linh. Thế thì, việc Chúa Jesus chịu xức dầu có nghĩa là gì? Điều này chi phối đời sống, chức vụ, và sứ vụ cứu chuộc nhân loại của Ngài như thế nào? Điều không thể chối cải được đó là việc Chúa Jesus chịu xức dầu trở thành bản chất tự tại của Ngài và biến Ngài trở thành Đấng Christ. Động từ “xức dầu” được sử dụng ở thể thụ động thần thượng (divine passive) bởi đó hình thành nên chính danh hiệu của Ngài là Đấng Christ, nghĩa là “Đấng Chịu Xức Dầu.” Chẳng những việc Chúa Jesus chịu xức dầu để chịu sai đi, nhưng khi Ngài chấp nhận trở thành người và mang lấy bản chất của con người, Chúa Jesus cần phải được xức dầu để “canh giữ” chính Ngài trong ý muốn của Cha Ngài, và giúp chính Ngài vâng phục hầu trở thành một của lễ trọn vẹn đẹp lòng Đức Chúa Trời có thể đền tội cho nhân loại (Hê-bơ-rơ 5:8-9). Hơn nữa, với sự xức dầu đó làm cho chức vụ của Chúa Jesus trở nên khả thi trong tư cách của một con người mà qua đó chúng ta là những nhà lãnh đạo mang tính chất “con người” (thế tục) có thể trở thành những nhà lãnh đạo thuộc linh đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hay nói cách khác, chúng ta là những nhà lãnh đạo “con người” chẳng bao giờ có thể trở thành những nhà lãnh đạo “thuộc linh” được nếu không có sự xức dầu của Chúa Thánh Linh. Đó là sự khác biệt rõ rệt và vẽ ra lằn ranh dứt khoát phân chia giữa những nhà lãnh đạo thế tục với những nhà lãnh đạo thuộc linh. Mất đi sự xức dầu của Chúa, những nhà lãnh đạo thuộc linh sẽ bị rơi và té ngã trở lại trong hàng ngũ của những nhà lãnh đạo thế tục dẫu cho trên hình thức và danh nghĩa họ vẫn còn là những nhà lãnh đạo thuộc linh.

Vì thế, ngay từ xa xưa trong Cựu Ước, việc xức dầu là điều đòi hỏi không thể thiếu được và không thể khoan nhượng (non-negotiable) của người lãnh đạo thuộc linh. Sự xức dầu biệt riêng và thánh hóa người lãnh đạo cho Đức Chúa Trời để họ “đủ điều kiện” làm công việc thánh của Ngài. Sự xức dầu biến người lãnh đạo trở thành một con người khác và ban cho người đó ân tứ để thích hợp với thánh chức mà Chúa kêu gọi và chọn lựa, giống như trong trường hợp của Sau-lơ khi được chọn làm vua dân Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 10:9-10). Đồng thời, sự xức dầu ban cho người lãnh đạo có uy quyền, khiến cho sứ điệp của người đó có thẩm quyền và dán chặt trong tâm trí và tấm lòng người nghe, đưa đến sự thay đổi đời sống và khiến họ đi đến chỗ quyết định buông bỏ thế gian để sống cho Đức Chúa Trời. Sự xức dầu khiến cho tâm trí người nghe bị thu hút cách mãnh liệt đến nỗi không thể cưỡng lại được và lôi kéo họ ra khỏi thế giới của con người đưa họ vào trong thế giới của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chính sự xức dầu đã làm cho sứ điệp và chức vụ của người lãnh đạo tạo nên một lằn ranh rõ rệt giữa những gì thuộc về con người và những gì thuộc về Đức Chúa Trời trong lòng và tâm trí con người. Điều đó được gói trọn trong ngôn từ của Thánh Kinh là “người được xức dầu.”

Sunday, July 17, 2011

Dấu hiệu của ân sủng và sự xức dầu

Ða-vít đáp cùng A-bi-ga-in rằng: Ðáng ngợi khen Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Ðáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình. Nhưng ta chỉ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời hằng sống của Y-sơ-ra-ên, là Ðấng đã cản ta làm điều ác, mà thề rằng, nếu nàng không vội vàng đến đón ta, thì đến sáng mai, phàm vật gì thuộc về Na-banh sẽ chẳng còn lại vật mọn hơn hết. Vậy, Ða-vít nhận lễ vật do nơi tay nàng đem đến cho người, và nói rằng: Hãy trở lên nhà ngươi bình an. Hãy xem, ta đã nghe theo tiếng ngươi, và tiếp ngươi tử tế (I Sa-mu-ên 25:32-34)

Câu chuyện của Na-banh và Đa-vít nằm xen kẻ giữa những câu chuyện của Sau-lơ rượt đuổi Đa-vít. Qua câu chuyện này, tác giả sách Sa-mu-ên muốn cho chúng ta thấy Na-banh chính là hiện thân của Sau-lơ trong một số phương diện sau đây: (a) tâm tính và thái độ của Na-banh đối với Đa-vít và sự chết bất đắc kỳ tử của ông cũng tương tự như trường hợp của vua Sau-lơ (1 Sa 13:13; 26:21); (b) thái độ muốn báo thù của Đa-vít đối với Na-banh là rất tự nhiên và cũng giống như trường hợp ông đối với vua Sau-lơ. Nhưng Chúa đã ngăn trở Đa-vít làm điều đó vì ông là người được Chúa xức dầu; và (c) A-bi-ga-in ngăn trở Đa-vít báo thù và nhắc ông nhớ rằng ông là người Chúa xức dầu để làm vua dân sự của Ngài. Việc sau này Đa-vít cưới A-bi-ga-in để thay thế cho Mi-canh mà ông đã bị Sau-lơ lấy lại gã cho người khác nhằm cắt đứt mọi mối liên hệ hầu sau này Đa-vít không còn cơ hội quay lại cung điện của vua để làm vua! Đức Chúa Trời đứng ra đối đầu với Sau-lơ thay cho Đa-vít và bù lại cho ông những gì ông bị kẻ thù làm thiệt hại. Điều đó chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đẹp lòng về Đa-vít và Ngài đang ở cùng ông.
Đối với Sau-lơ, Đa-vít rất dễ dàng nhận chân ra Sau-lơ là người được Chúa xức dầu và ông hứa nguyện rằng sẽ không bao giờ đụng đến “người được xức dầu” của Ngài. Tuy nhiên, có một loại hình thức không kém nguy hiểm như Sau-lơ mà Chúa muốn Đa-vít phải nhận ra đó chính là con người của Na-banh. Na-banh có mối liên hệ máu mủ ruột thịt gì với Sau-lơ hay không thì chúng ta hoàn toàn không rõ. Tuy nhiên, điều rõ ràng là Na-banh hết mực bênh vực cho Sau-lơ và cho rằng Đa-vít là một con người phản vua và trốn chạy không hơn không kém, khi ông nói với những đầy tớ của Đa-vít bằng một giọng điệu vô cùng mỉa mai: “Ai là Ða-vít? Ai là con trai của Y-sai? Những tôi tớ trốn khỏi chủ mình, ngày nay lấy làm đông thay!” (25:10). Những lời lẽ này cho thấy Na-banh hoàn toàn đứng về phía của Sau-lơ và phỉ báng Đa-vít. Chính vì thế, Na-banh thẳng thừng từ khước việc làm ơn cho Đa-vít và những người theo ông, mặc dầu Đa-vít đã làm ơn cho Na-banh và gia đình ông rất nhiều. Na-banh thật đã “lấy oán trả ơn” cho Đa-vít (25:21). Lời nói và thái độ của Na-banh như lưỡi gươm đâm thấu vào và làm tổn thương sâu xa tấm lòng của Đa-vít. Chính vì thế mà Đa-vít tức giận và muốn trả thù ngay lập tức. Lòng căm giận khiến cho Đa-vít thiếu khôn ngoan và bình tĩnh nhận ra một loại kẻ thù khác đang có nguy cơ tàn diệt đời sống thuộc linh và làm hỏng đi cả một chương trình tốt đẹp của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời của ông và dân sự của Ngài.
Tin Đa-vít muốn trả thù vì lời nói sặc mùi vô ơn của Na-banh đã bay đến tai của vợ Na-banh là A-bi-ga-in. Bà là một người vợ khôn ngoan đã có phản ứng rất khiêm nhường khiến cho cơn tức giận của Đa-vít nguôi xuống và thức tỉnh tâm trí của ông. Trước hết, A-bi-ga-in cho Đa-vít thấy rằng con người của ông tốt đẹp và cao quý gấp bao nhiêu lần so với chồng của bà là Na-banh. Bà đưa ra nhận định về Na-banh là một con người “hung ác” (25:25). Trong nguyên văn, từ “hung ác” (wicked) được dùng chỉ về những người thuộc Bê-li-an là Sa-tan (Phục truyền 13:13; 2 Cô-rinh-tô 6:15). Điều A-bi-ga-in muốn nói là con người Na-banh đang bị thống trị bởi quyền lực của ma quỷ (giống như trường hợp của vua Sau-lơ) nên hành động như thế. Trong khi đó, Đa-vít là một con người được Chúa xức dầu, đang ở trong một vị trí cao trọng hơn Na-banh nhiều, không nên vì một chuyện nhỏ mà sanh lòng tự ái, đem mình xuống ngang hàng với Na-banh để hơn thua với ông. Kế đến, A-bi-ga-in cho Đa-vít thấy rằng Đức Chúa Trời đã chọn ông làm vua và Ngài có một chương trình vô cùng tốt đẹp cho ông trong tương lai. Chính vì thế, nàng khuyên và can ngăn Đa-vít đừng vì những gì xảy ra trong hiện tại mà hành động thiếu bình tĩnh hay khôn ngoan. Điều đó sẽ để lại một vết nhơ gây ra bởi những hành động ngu dại có thể làm hoan ố đi một bức tranh thật tuyệt vời mà Đức Chúa Trời muốn tạo nên cho cuộc đời của Đa-vít. A-bi-ga-in cho ông thấy rằng những hành động nông nổi hiện tại có thể để lại những đau buồn và tiếc nuối chẳng bao giờ xóa nhòa trong tâm trí và cuộc đời của Đa-vít sau này khi trở về già hay lúc lên ngai làm vua của dân sự thánh. Tóm lại, Đức Chúa Trời muốn dùng A-bi-ga-in để giữ cho cuộc đời của Đa-vít như một bức tranh đẹp, không bị tàn phá bởi những hành động thiếu suy nghĩ và nóng nảy trong hiện tại. Đó là dấu hiệu ân sủng và sự xức dầu của Ngài còn trên cuộc đời của Đa-vít, “người theo lòng của Đức Chúa Trời.” Ngài đã nắm giữ con người của Đa-vít để ông không phải làm đổ huyết và báo thù về điều Na-banh đã làm đối với ông trong những ngày cùng khốn của cuộc đời trốn chạy khỏi Sau-lơ.
Nhưng câu chuyện không phải dừng lại tại đó. Tác giả cho thấy khi Đa-vít nhường cho Đức Chúa Trời quyền báo thù thì Ngài ra tay để báo thù thay cho ông. Sau khi A-bi-ga-in thuật lại mọi việc cho Na-banh nghe thì “lòng người bèn kinh hoảng, trở thành như đá” (25:37). Cụm từ “lòng người bèn kinh hoảng” (his heart failed) được dùng để diễn tả một trong hai triệu chứng mà Na-banh đã gặp phải: hoặc là bị đột quỵ (stroke) hoặc là bị nhồi máu cơ tim (heart attack). Hậu quả là Na-banh “thành như đá” (he became like a stone). Có thể đây là tình trạng nằm liệt gường do cơn đột quỵ gây ra. Và số phận mà Đức Chúa Trời ban cho Na-banh như thế này: “Cách chừng mười ngày sau, Đức Giê-hô-va đánh Na-banh, và người chết” (25:38). Đa-vít giữ mình không đem quân đi “đánh” Na-banh thì chính Đức Chúa Trời “đánh” thế cho ông. Một lần nữa, tác giả sách Sa-mu-ên muốn minh chứng rằng khi Na-banh đụng đến “người chịu xức dầu” của Chúa, mặc dầu chỉ bằng lời nói mà thôi, thì Ngài cũng báo thù cho việc làm đó thật khủng khiếp là dường nào! Vì có những điểm tương đồng giữa Na-banh và vua Sau-lơ, cho nên sự chết của Na-banh là lời tiên tri về số phận của vua Sau-lơ sau này.
Là người lãnh đạo thuộc linh, chúng ta rất dễ dàng bị điều khiển bởi lòng căm thù vì bị tổn thương do người khác gây ra. Trong những trường hợp như thế chúng ta sẽ mất bình tĩnh, thiếu khôn ngoan, và phản ứng vụng dại. Có thể rằng chúng ta biết giữ mình trong một số trường hợp nào đó mà mình dễ nhận chân ra kẻ thù cách rõ rệt. Nhưng ma quỷ rất tinh khôn và quỷ quyệt. Nó sẽ đưa đến chúng ta những loại kẻ thù tương tự nhưng mang một sắc thái khác để đánh lừa chúng ta. Khi đó, nếu không cẩn thận, được ân sủng của Chúa bao phủ và sự xức dầu của Ngài canh giữ, chúng ta sẽ hành động nông nổi và ngu dại, để lại những hậu quả không lường hết được, hủy phá cả một bức tranh đẹp của cuộc đời mà Chúa đã dự định cho chúng ta. Khi một người đã bị Đức Chúa Trời lìa bỏ thì lòng người ấy trở nên cứng cỏi và hành động vô cùng ngu dại, tự hủy hoại chính mình, gây tai hại đến biết bao cuộc đời và hội thánh của Đức Chúa Trời. Đó là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời đã cất đi ân sủng (disgraced) và sự xức dầu của Ngài trên người đó để nắm giữ họ. Khi ấy, chẳng có điều gì người đó không thể làm vì hoàn toàn bị chi phối bởi quyền lực của ma quỷ, bản ngã và tội lỗi. Nhưng khi một cuộc đời vẫn còn nằm trong sự bao phủ của ân sủng Chúa và sự xức dầu của Ngài, chính Ngài sẽ bảo vệ và canh giữ cuộc đời của người đó, để rồi không phải hành động ngu dại và nông nổi, hủy phá cuộc đời của mình, gây tan thương đau buồn cho người khác, và ngay cả cho hội thánh của Đức Chúa Trời.