Ða-vít đáp cùng A-bi-ga-in rằng: Ðáng ngợi khen Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Ðáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình. Nhưng ta chỉ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời hằng sống của Y-sơ-ra-ên, là Ðấng đã cản ta làm điều ác, mà thề rằng, nếu nàng không vội vàng đến đón ta, thì đến sáng mai, phàm vật gì thuộc về Na-banh sẽ chẳng còn lại vật mọn hơn hết. Vậy, Ða-vít nhận lễ vật do nơi tay nàng đem đến cho người, và nói rằng: Hãy trở lên nhà ngươi bình an. Hãy xem, ta đã nghe theo tiếng ngươi, và tiếp ngươi tử tế (I Sa-mu-ên 25:32-34)
Câu chuyện của Na-banh và Đa-vít nằm xen kẻ giữa những câu chuyện của Sau-lơ rượt đuổi Đa-vít. Qua câu chuyện này, tác giả sách Sa-mu-ên muốn cho chúng ta thấy Na-banh chính là hiện thân của Sau-lơ trong một số phương diện sau đây: (a) tâm tính và thái độ của Na-banh đối với Đa-vít và sự chết bất đắc kỳ tử của ông cũng tương tự như trường hợp của vua Sau-lơ (1 Sa 13:13; 26:21); (b) thái độ muốn báo thù của Đa-vít đối với Na-banh là rất tự nhiên và cũng giống như trường hợp ông đối với vua Sau-lơ. Nhưng Chúa đã ngăn trở Đa-vít làm điều đó vì ông là người được Chúa xức dầu; và (c) A-bi-ga-in ngăn trở Đa-vít báo thù và nhắc ông nhớ rằng ông là người Chúa xức dầu để làm vua dân sự của Ngài. Việc sau này Đa-vít cưới A-bi-ga-in để thay thế cho Mi-canh mà ông đã bị Sau-lơ lấy lại gã cho người khác nhằm cắt đứt mọi mối liên hệ hầu sau này Đa-vít không còn cơ hội quay lại cung điện của vua để làm vua! Đức Chúa Trời đứng ra đối đầu với Sau-lơ thay cho Đa-vít và bù lại cho ông những gì ông bị kẻ thù làm thiệt hại. Điều đó chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đẹp lòng về Đa-vít và Ngài đang ở cùng ông.
Đối với Sau-lơ, Đa-vít rất dễ dàng nhận chân ra Sau-lơ là người được Chúa xức dầu và ông hứa nguyện rằng sẽ không bao giờ đụng đến “người được xức dầu” của Ngài. Tuy nhiên, có một loại hình thức không kém nguy hiểm như Sau-lơ mà Chúa muốn Đa-vít phải nhận ra đó chính là con người của Na-banh. Na-banh có mối liên hệ máu mủ ruột thịt gì với Sau-lơ hay không thì chúng ta hoàn toàn không rõ. Tuy nhiên, điều rõ ràng là Na-banh hết mực bênh vực cho Sau-lơ và cho rằng Đa-vít là một con người phản vua và trốn chạy không hơn không kém, khi ông nói với những đầy tớ của Đa-vít bằng một giọng điệu vô cùng mỉa mai: “Ai là Ða-vít? Ai là con trai của Y-sai? Những tôi tớ trốn khỏi chủ mình, ngày nay lấy làm đông thay!” (25:10). Những lời lẽ này cho thấy Na-banh hoàn toàn đứng về phía của Sau-lơ và phỉ báng Đa-vít. Chính vì thế, Na-banh thẳng thừng từ khước việc làm ơn cho Đa-vít và những người theo ông, mặc dầu Đa-vít đã làm ơn cho Na-banh và gia đình ông rất nhiều. Na-banh thật đã “lấy oán trả ơn” cho Đa-vít (25:21). Lời nói và thái độ của Na-banh như lưỡi gươm đâm thấu vào và làm tổn thương sâu xa tấm lòng của Đa-vít. Chính vì thế mà Đa-vít tức giận và muốn trả thù ngay lập tức. Lòng căm giận khiến cho Đa-vít thiếu khôn ngoan và bình tĩnh nhận ra một loại kẻ thù khác đang có nguy cơ tàn diệt đời sống thuộc linh và làm hỏng đi cả một chương trình tốt đẹp của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời của ông và dân sự của Ngài.
Tin Đa-vít muốn trả thù vì lời nói sặc mùi vô ơn của Na-banh đã bay đến tai của vợ Na-banh là A-bi-ga-in. Bà là một người vợ khôn ngoan đã có phản ứng rất khiêm nhường khiến cho cơn tức giận của Đa-vít nguôi xuống và thức tỉnh tâm trí của ông. Trước hết, A-bi-ga-in cho Đa-vít thấy rằng con người của ông tốt đẹp và cao quý gấp bao nhiêu lần so với chồng của bà là Na-banh. Bà đưa ra nhận định về Na-banh là một con người “hung ác” (25:25). Trong nguyên văn, từ “hung ác” (wicked) được dùng chỉ về những người thuộc Bê-li-an là Sa-tan (Phục truyền 13:13; 2 Cô-rinh-tô 6:15). Điều A-bi-ga-in muốn nói là con người Na-banh đang bị thống trị bởi quyền lực của ma quỷ (giống như trường hợp của vua Sau-lơ) nên hành động như thế. Trong khi đó, Đa-vít là một con người được Chúa xức dầu, đang ở trong một vị trí cao trọng hơn Na-banh nhiều, không nên vì một chuyện nhỏ mà sanh lòng tự ái, đem mình xuống ngang hàng với Na-banh để hơn thua với ông. Kế đến, A-bi-ga-in cho Đa-vít thấy rằng Đức Chúa Trời đã chọn ông làm vua và Ngài có một chương trình vô cùng tốt đẹp cho ông trong tương lai. Chính vì thế, nàng khuyên và can ngăn Đa-vít đừng vì những gì xảy ra trong hiện tại mà hành động thiếu bình tĩnh hay khôn ngoan. Điều đó sẽ để lại một vết nhơ gây ra bởi những hành động ngu dại có thể làm hoan ố đi một bức tranh thật tuyệt vời mà Đức Chúa Trời muốn tạo nên cho cuộc đời của Đa-vít. A-bi-ga-in cho ông thấy rằng những hành động nông nổi hiện tại có thể để lại những đau buồn và tiếc nuối chẳng bao giờ xóa nhòa trong tâm trí và cuộc đời của Đa-vít sau này khi trở về già hay lúc lên ngai làm vua của dân sự thánh. Tóm lại, Đức Chúa Trời muốn dùng A-bi-ga-in để giữ cho cuộc đời của Đa-vít như một bức tranh đẹp, không bị tàn phá bởi những hành động thiếu suy nghĩ và nóng nảy trong hiện tại. Đó là dấu hiệu ân sủng và sự xức dầu của Ngài còn trên cuộc đời của Đa-vít, “người theo lòng của Đức Chúa Trời.” Ngài đã nắm giữ con người của Đa-vít để ông không phải làm đổ huyết và báo thù về điều Na-banh đã làm đối với ông trong những ngày cùng khốn của cuộc đời trốn chạy khỏi Sau-lơ.
Nhưng câu chuyện không phải dừng lại tại đó. Tác giả cho thấy khi Đa-vít nhường cho Đức Chúa Trời quyền báo thù thì Ngài ra tay để báo thù thay cho ông. Sau khi A-bi-ga-in thuật lại mọi việc cho Na-banh nghe thì “lòng người bèn kinh hoảng, trở thành như đá” (25:37). Cụm từ “lòng người bèn kinh hoảng” (his heart failed) được dùng để diễn tả một trong hai triệu chứng mà Na-banh đã gặp phải: hoặc là bị đột quỵ (stroke) hoặc là bị nhồi máu cơ tim (heart attack). Hậu quả là Na-banh “thành như đá” (he became like a stone). Có thể đây là tình trạng nằm liệt gường do cơn đột quỵ gây ra. Và số phận mà Đức Chúa Trời ban cho Na-banh như thế này: “Cách chừng mười ngày sau, Đức Giê-hô-va đánh Na-banh, và người chết” (25:38). Đa-vít giữ mình không đem quân đi “đánh” Na-banh thì chính Đức Chúa Trời “đánh” thế cho ông. Một lần nữa, tác giả sách Sa-mu-ên muốn minh chứng rằng khi Na-banh đụng đến “người chịu xức dầu” của Chúa, mặc dầu chỉ bằng lời nói mà thôi, thì Ngài cũng báo thù cho việc làm đó thật khủng khiếp là dường nào! Vì có những điểm tương đồng giữa Na-banh và vua Sau-lơ, cho nên sự chết của Na-banh là lời tiên tri về số phận của vua Sau-lơ sau này.
Là người lãnh đạo thuộc linh, chúng ta rất dễ dàng bị điều khiển bởi lòng căm thù vì bị tổn thương do người khác gây ra. Trong những trường hợp như thế chúng ta sẽ mất bình tĩnh, thiếu khôn ngoan, và phản ứng vụng dại. Có thể rằng chúng ta biết giữ mình trong một số trường hợp nào đó mà mình dễ nhận chân ra kẻ thù cách rõ rệt. Nhưng ma quỷ rất tinh khôn và quỷ quyệt. Nó sẽ đưa đến chúng ta những loại kẻ thù tương tự nhưng mang một sắc thái khác để đánh lừa chúng ta. Khi đó, nếu không cẩn thận, được ân sủng của Chúa bao phủ và sự xức dầu của Ngài canh giữ, chúng ta sẽ hành động nông nổi và ngu dại, để lại những hậu quả không lường hết được, hủy phá cả một bức tranh đẹp của cuộc đời mà Chúa đã dự định cho chúng ta. Khi một người đã bị Đức Chúa Trời lìa bỏ thì lòng người ấy trở nên cứng cỏi và hành động vô cùng ngu dại, tự hủy hoại chính mình, gây tai hại đến biết bao cuộc đời và hội thánh của Đức Chúa Trời. Đó là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời đã cất đi ân sủng (disgraced) và sự xức dầu của Ngài trên người đó để nắm giữ họ. Khi ấy, chẳng có điều gì người đó không thể làm vì hoàn toàn bị chi phối bởi quyền lực của ma quỷ, bản ngã và tội lỗi. Nhưng khi một cuộc đời vẫn còn nằm trong sự bao phủ của ân sủng Chúa và sự xức dầu của Ngài, chính Ngài sẽ bảo vệ và canh giữ cuộc đời của người đó, để rồi không phải hành động ngu dại và nông nổi, hủy phá cuộc đời của mình, gây tan thương đau buồn cho người khác, và ngay cả cho hội thánh của Đức Chúa Trời.