Monday, April 15, 2013

ĐẠO KHÁC ĐỜI

Ma-thi-ơ (Matthew) 20:25-28

Ðức Chúa Jêsus gọi đến mà phán rằng: Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.

Dưỡng linh:

Để trả lời cho lời cầu xin đầy tham vọng của mẹ hai con trai Xê-bê-đê, mong muốn được ngồi bên hữu và bên tả Chúa Jesus ở trong nước của Ngài, Chúa Jesus đưa ra cho các môn đồ thấy sự khác biệt giữa người lãnh đạo ở đời và người lãnh đạo trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Sự khác biệt này không nằm trong nguyên tắc lãnh đạo nhưng trong bản chất của người lãnh đạo. Hay nói cách khác, sự khác biệt này nằm trong chính con người lãnh đạo. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này? Người lãnh đạo thế tục là người chưa từng trải sự tái sanh, còn người lãnh đạo thuộc linh là người đã được tái sanh. Người lãnh đạo thế tục mang bản chất trần tục, trong khi người lãnh đạo thuộc linh mang bản chất thiêng liêng.

Người lãnh đạo thế tục                                    Người lãnh đạo thuộc linh
Ép dân phải phục                                             Chinh phục bằng sự khiêm nhường
Cai trị bằng quyền thế                                      Cai trị bằng sự phục vụ
Người khác phải phục vụ mình                        Hy sinh để phục vụ người khác

Người lãnh đạo thế tục nghĩ rằng mình có quyền, có chức thì người khác phải phục. Nhưng người lãnh đạo thuộc linh chinh phục người khác bằng đời sống nhu mì, khiêm nhường của mình. Hay nói cách khác, sự thuận phục hay kính phục đối với người lãnh đạo thuộc linh không phải do đòi hỏi, nhưng trả giá bằng chính đời sống hy sinh, đạo đức, gương mẫu, thanh sạch của mình. Người lãnh đạo thế tục dùng quyền hành để cai trị và trấn áp người khác, dùng luật lệ để bắt người khác phải thuận phục mình, giống như những nhà độc tài chuyên chế. Nhưng khi họ không còn trong chức vụ, người ta khinh bỉ và xa lìa. Trong khi đó người lãnh đạo thuộc linh dùng sự phục vụ mình để lãnh đạo Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Khi người lãnh đạo thuộc linh mặc lấy tinh thần phục vụ và tôn trọng người cùng làm việc với mình thì càng chinh phục được người khác vui lòng sẵn sàng nghe theo sự lãnh đạo của mình cách tự nhiên. Người lãnh đạo thế tục muốn người khác quỳ lụy, tâng bốc, khen ngợi, phục vụ mình, và nghĩ đến quyền lợi của cá nhân và gia đình mình hơn là việc chung. Nhưng người lãnh đạo thuộc linh hy sinh đời sống của mình để phục vụ người khác và mang ích lợi cho người khác, trên hết là mang lợi ích cho công việc nhà Chúa. Người lãnh đạo thế tục tìm cách củng cố địa vị và dùng mọi thủ đoạn để bám lấy chức vụ của mình. Nhưng người lãnh đạo thuộc linh sẵn sàng nhường chỗ cho người có khả năng và đạo đức hơn mình vì lợi ích cho công việc Chúa chung và danh vinh hiển của Ngài.

Chúa Jesus lấy chính mình Ngài để làm mẫu mực cho người lãnh đạo thuộc linh. Ngài là Đức Chúa Trời. Duy một mình Ngài đáng nhận tất cả vinh hiển và oai nghi để được con người tuân phục và tôn trọng. Nhưng Chúa Jesus bằng lòng từ bỏ tất cả vinh hiển và uy quyền của Ngài, đến thế gian mang lấy kiếp người, sống cuộc đời như chúng ta và hy sinh mạng sống của mình trên thập tự giá để cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi. Qua hành động này của Chúa Jesus, Đức Chúa Trời nâng Ngài lên chỗ cao trọng nhất và mọi người, mọi đầu gối trên trời và bên dưới đất thảy đều thuận phục uy quyền cai trị của Ngài (Phi-líp 2:10-11). Nói cách khác, Chúa Jesus đã đi lên và chiếm lấy uy quyền lãnh đạo toàn cõi hoàn vũ bằng con đường đi xuống và hy sinh mạng sống của chính Ngài. Con đường này tuy lâu dài nhưng rất vững bền và đời đời. Nguyện tâm tình của Chúa Jesus (Phi-líp 2:5) hành động trong chúng ta, nhất là những người đang hay mong muốn ở trong vai trò lãnh đạo Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên đất này cho đến ngày Chúa Jesus trở lại. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho tất cả những ai lãnh đạo người khác từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, nếu muốn làm một người thành công và để lại ảnh hưởng tốt đẹp trên cuộc đời của người khác.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng của Chúa Jesus để biết sống hy sinh và tận hiến cho người khác. Nếu Chúa đẹp lòng dùng con làm người lãnh đạo người khác, xin giúp con là một nhà lãnh đạo thuộc linh chân chính, tìm kiếm lợi ích cho người khác và cho danh vinh hiển của Ngài. Chúa ôi, xin ban cho hội thánh Việt Nam chúng con ngày càng nhiều nhà lãnh đạo thuộc linh và gương mẫu để dẫn dân sự của Ngài đến bến bờ phước hạnh trong ân sủng cứu rỗi tuyệt vời của Ngài. Amen!

Monday, February 25, 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO

Sau khi Chúa Jesus bị bắt và bị giết, tâm trạng của các môn đồ theo Ngài bị rơi vào trong sự hụt hẩng to lớn. Bao nhiêu kỳ vọng và mơ ước ấp ủ, toan tính nay hoàn toàn sụy đổ. Thay vào đó bằng sự chán nãn, tuyệt vọng, nhìn về tương lai hoàn toàn mù mịt. Ai về nhà nấy, trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Ngồi đó chờ xem tình thế xoay vần ra sao khi mà những rắc rối vì liên lụy đến vụ án của Thầy của mình qua đi. Phi-e-rơ cũng ở trong tâm trạng đó. Chưa kể việc Phi-e-rơ chối Thầy để lại một mặc cảm tội lỗi rất sâu đậm đối với chính ông, lưu lại một hình ảnh không mấy tốt đẹp trong tâm trí của các bạn đồng lao thân cận. Dẫu sao đi nữa, khi Chúa Jesus còn sống, Phi-e-rơ này cũng có ảnh hưởng hơn ai hết trong vòng các sứ đồ và môn đồ của Ngài. Với lời quả quyết rằng “ai chối Thầy chứ tôi thì không” của Phi-e-rơ đã dường như trở thành vô nghĩa, khiến cho ảnh hưởng và uy tín của Phi-e-rơ hoàn toàn sụp đổ sau biến cố chối Thầy mình đến ba lần.

Vào một buổi sáng sau khi Chúa Jesus phục sanh, Phi-e-rơ một lần nữa xuất hiện chung với một số môn đồ thân cận (Giăng 21:1-3). Ông bày tỏ sự buồn thảm và thất vọng qua việc rủ nhau trở về lại với nghề đánh cá. Tại đây chúng ta thấy lại ảnh hưởng của lời nói của Phi-e-rơ trên người khác. Ngày xưa, khi còn mạnh mẽ và nóng cháy, lời nói của Phi-e-rơ ảnh hưởng khá mạnh mẽ trên người khác. Nhưng giờ đây, khi tinh thần suy sụp, yếu đuối và buồn thảm, lời nói của Phi-e-rơ cũng có ảnh hưởng trên người khác không kém. Đang khi đối diện với một hoàn cảnh đầy xáo trộn về tình cảm, sự khó khăn của cuộc sống và chức vụ, Phi-e-rơ đã dễ dàng buông ra những lời nói tiêu cực, chán nãn và thối lui. Lúc này, Phi-e-rơ quên luôn cả việc được Chúa kêu gọi đi vào trong chức vụ trong những ngày đầu thật tuyệt vời. Chính Phi-e-rơ đã nhận sự kêu gọi này trực tiếp từ nơi Thầy (Lu-ca 5:1-11). Nay Thầy đã không còn nữa thì cũng trả sự kêu gọi này lại cho Thầy! Chính vì thế, Chúa Jesus đã hiện ra với Phi-e-rơ trong cùng một tình huống và bối cảnh giống như trước đây để nhắc lại sự kêu gọi mà Ngài đã đoan chắc với ông từ lâu. Về phần Phi-e-rơ, ông đã thay lòng đổi dạ đối với Thầy mình. Nhưng về phần Chúa Jesus, Ngài chẳng bao giờ thay đổi sự kêu gọi của Ngài đối với ông và những người mà Ngài kêu gọi, vì sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng hề thay đổi bao giờ (Rô-ma 11:29).

Trong vai trò của một người lãnh đạo, dầu ở mức độ nào đi nữa thì lời nói và việc làm của chúng ta sẽ gây ảnh hưởng trên người khác. Dầu chúng ta có nhận ra hay chấp nhận nguyên tắc này hay không thì đó là điều chúng ta không thể chối cãi được. Chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn, thì ảnh hưởng càng lớn và càng sâu rộng. Khi chúng ta nói những lời tích cực và làm những việc đạo đức, thánh thiện, tốt lành thì sẽ tạo nên một ảnh hưởng rất lớn lao trong người chịu sự hướng dẫn của chúng ta. Ngược lại, khi chúng ta nói những lời không tốt đẹp và hành động những điều không đi theo đường lối và sự dạy dỗ của Lời Chúa thì ảnh hưởng xấu và sự tàn hại làm trong lòng và tâm trí của những người chịu sự hướng dẫn của chúng ta cũng rất lớn lao, thậm chí hơn điều chúng ta có thể thấu hiểu hay đo lường. Chính vì thế mà sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê như sau: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (I Ti-mô-thê 4:12). Người lãnh đạo Cơ đốc muốn có ảnh hưởng tốt trên người khác phải biết điều khiển lời nói và việc làm của mình như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Lời chúng ta nói ra hay từ ngữ chúng ta viết ra giống như con ngựa phóng đi mà chẳng bao giờ quay trở lại với chúng ta!

Trong gia đình, khi cha mẹ có sự bất hòa và đối xử với nhau thiếu yêu thương, điều đó chắn chắn ảnh hưởng trên đời sống con cái và chúng nó lớn lên sẽ không biết yêu thương nhau. Ngược lại, khi cha mẹ yêu thương nhau và yêu thương con cái, thì đến phiên con cái chúng nó sẽ yêu thương nhau, vì chúng thấy và hấp thụ cách cha mẹ yêu thương nhau. Trong hội thánh cũng giống như vậy, khi những người hầu việc Chúa hay người lãnh đạo mà chống đối, nói xấu nhau, ghen ghét nhau, làm hại nhau thì tín hữu trong hội thánh cũng sẽ học đòi theo đó mà chống đối nhau và ghen ghét nhau. Đôi khi chúng ta tự trách tại sao trong gia đình chúng ta không có tình thương hay trong hội thánh không có tình thương, mà chúng ta quên xét lại rằng chúng ta là những người chủ gia đình hay những nhà lãnh đạo trong hội thánh có thiếu đi tình thương đối với nhau hay không?

Là người lãnh đạo trong bất cứ cấp bậc nào, chúng ta sẽ bị Đức Chúa Trời đòi hỏi nhiều hơn những người khác. Vì vậy, khi đối diện với những hoàn cảnh hay tình huống bất như ý, hay cơ thể đang ở trong tình trạng bịnh tật, chúng ta cần phải cẩn trọng trong lời chúng ta nói, điều chúng ta viết xuống, việc chúng ta làm. Những điều này sẽ gây nên một ảnh hưởng hay tác hại rất lớn, để lại những hậu quả không thể lường hết được. Dẫu sau này chúng ta có ăn năn đi chăng nữa thì sự việc cũng đã rồi và chẳng bao giờ chúng ta có thể lấy lại những lời ra khỏi miệng chúng và những từ ngữ chúng ta viết xuống giấy trắng mực đen. Có lẽ chỉ khi nào chúng ta bước vào nước của Chúa, khi đó chúng ta mới có thể thấy được hết ảnh hưởng hay hậu quả của việc chúng ta làm và lời chúng ta nói trong khi còn trong thân xác này. Để có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc, chúng ta nhờ ơn Chúa sống theo nguyên tắc sứ đồ Phao-lô đưa ra: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều cho chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:7-8). Khi tâm trí chúng ta dành để suy nghĩ những điều tốt đẹp, thiện hảo thì chắc chắn rằng lời chúng ta nói, ngôn từ chúng ta viết sẽ không có chứa đựng những điều xấu xa, bất nghĩa, đê hèn.